Chia sẻ,  Tâm sự,  Trải nghiệm sống

[Chia sẻ] Chuyện tôi đọc sách

Tôi đọc sách trước hết là vì bản thân mình, nếu sự đọc có chút ích lợi mà gặp nơi đắc dụng thì sẽ áp dụng để làm đẹp cho đời. Nếu cao vọng quá, thì thôi, tôi nghĩ rằng thêm một người đọc sách, trân quý sách cũng không làm cho cuộc đời xấu thêm.

Phần 1

Việc đọc sách của tôi khởi đầu với các bộ truyện tranh như “Đô – rê – mon”, “Vua trò chơi”, “Thần đồng đất Việt”, “Inu-Yasha” v.v… Hồi tôi học cấp 1 và cấp 2, tôi còn được đi thuê truyện. Lúc đó thuê mỗi cuốn sẽ có giá là 500 đồng một ngày. Được mẹ cho tiền, tôi thuê rất nhiều truyện về để đọc. Sau đó, cứ mỗi lần hai mẹ con lên phố Tràng Tiền chơi, thế nào tôi cũng vòi vĩnh thêm được 1 – 2 cuốn truyện tranh nữa.

Đến bây giờ, tôi vẫn thích đọc truyện tranh và ngoài truyện tranh ra, tôi còn đọc thêm những đầu sách khác. Có lẽ, thời điểm tôi bắt đầu quan tâm đến việc đọc các đầu sách có chữ nhiều hơn tranh đến vào năm đầu của Đại học. Ngày mới vào Đại học, tôi thấy có rất nhiều môn học mới, tên gọi hay nhưng tôi chưa biết học như thế nào. Trong sự lạ lẫm ấy, tôi quay về đọc sách giáo trình. Vậy mà lại may mắn, vì nhờ đọc giáo trình, việc học tập, thi cử của tôi không đến nỗi quá vất vả. Giáo trình đọc mãi rồi cũng hết, tôi bắt đầu quan tâm đến các thư viện, các hội sách. Bàn về việc đọc sách của bản thân, tôi nghĩ đây là giai đoạn tôi chính thức “khởi nghiệp” đọc sách của mình. Vì tôi bắt đầu dành nhiều thời gian, tiền bạc hơn cho sách. Nhẩm tính lại nếu lúc đó tôi dành dụm mua một chiếc xe máy thay vì sách, thì có lẽ đã không mất hai năm đầu đi xe bus và hai năm cuối đi xe đạp. Nhưng tôi không hề cảm thấy tiếc, mà ngược lại còn cảm thấy mãn nguyện. Bởi sách đã cho tôi những giờ phút thư giãn thoải mái, những bài học bổ ích với cái giá rất phải chăng trong những tháng ngày sinh viên ngân sách eo hẹp (giờ eo vẫn chưa to hơn là mấy, chắc do vẫn chưa bỏ được niềm đam mê với sách).

Tôi đọc sách để phục vụ cho việc học tập, để mở mang hiểu biết và để sống những giờ phút trong thế giới của những suy nghĩ, ý tưởng, câu hỏi. Thế giới ấy tuy trầm lặng, nhưng với tôi thì không hề buồn tẻ. Tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết, đặc biệt là những tiểu thuyết từng được trích đoạn trong sách giáo khoa, rồi tiếp đó tôi đọc sang các cuốn tiểu thuyết được công chúng coi là kinh điển. Dòng sách văn hóa, lịch sử, tâm linh tôi đọc cùng không ít vì chúng có liên quan gần nhất đến ngành học của tôi. Sách kỹ năng cũng thú vị, nhất là lần đầu đến với các cuốn sách kiểu như “Đắc Nhân Tâm”, “Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống”, tôi khấp khởi mừng thầm có lẽ mình sắp bớt ngây ngô, vụng dại trong việc giao tiếp, rồi thì mọi người sẽ yêu quý mình. Giờ hỏi lại bạn bè mới biết, họ kết bạn với tôi chẳng bởi tôi đọc sách “Đắc Nhân Tâm”, mà bởi họ quý tính cần cù, chịu nhận sai, chịu nhận là không biết của tôi.

Đọc theo sở thích nên tôi chưa có bất kì lộ trình nào cụ thể. Đến giờ, mặc dù ưu tiên hơn những cuốn sách phục vụ cho mục đích công việc, tôi vẫn không quên thả cho bản thân một chút tự do khi đi dạo ở các hội sách, phố sách, cửa hàng sách (trực tuyến lẫn trực tiếp). Dần dần, tôi thấy được sở thích của mình là những cuốn sách đặc biệt, được viết bởi những con người đặc biệt. Tức là ở họ có nhận thức và trải nghiệm sống mang dấu ấn cá nhân rõ nét. Tôi không quá quan trọng thể loại hay hình thức, mà là sự chân thực, giàu chất liệu sống tác giả mang lại cho tôi. Họ không nhất thiết phải có thành công vang dội hay tài năng phi thường, chỉ cần họ là một con người dũng cảm sống cuộc đời họ chọn, vậy là đủ với tôi. Nhưng hình như “chân nhân bất lộ tướng”: sách của những người như vậy không nhiều hoặc cũng có thể những người như vậy chưa nhiều trong thời cuộc này.

Càng ngày việc mua sách của tôi càng khó hơn trước. Có những lúc đi hội sách, tôi cảm thấy trống rỗng vì mặc dù rất muốn mua nhưng không thể tìm được cuốn sách đáng để mình mua. Những ngày đi hội sách mà phải về tay không là những ngày ảm đạm đối với tôi. Đó là cảm giác thấy rõ lòng nguội lạnh khi nhìn vào sách, khao khát tìm kiếm song không có chút hứng thú nào để mua, vì có không ít đầu sách vô bổ, tô vẽ và dễ khiến cho người đọc hoang tưởng. Điều này giống như mọi người đàn ông thông thường đều yêu thích phụ nữ. Nhưng họ thà ngắm một phụ nữ mộc mạc còn hơn ngắm một “người đẹp dao kéo” mặt bự phấn son.

Đọc sách có lợi ích gì thì có lẽ tôi không cần nhắc lại. Vì người hiểu được cái lợi thì sẽ thấy vô vàn cái ích, còn người chưa thấy cái lợi thì chỉ thấy toàn cái hại. Rõ rệt nhất là những ý kiến coi sách vở là lý thuyết, là kiến thức xa rời thực tế hay không giúp người ta ăn ngon mặc đẹp ngay tức khắc. Tôi nghĩ quan điểm cá nhân thì hiếm khi sai với chính cá nhân nảy ra quan điểm ấy. Nhưng cuộc sống còn ở phía trước, còn nhiều điều cần chờ đến “hồi sau sẽ rõ”. Trong lúc đó, tôi vẫn tiếp tục đọc và hi vọng phần nào đó có thể lan tỏa được sở thích, thói quen đọc sách đến những người xung quanh, đặc biệt là các bạn trẻ tuổi hơn tôi. Trong bối cảnh mọi thứ diễn ra quá nhanh với những “cú chạm” trên màn hình, tôi thấy óc suy xét và tính kiên nhẫn của con người ta dễ dàng bị yếu đi. Đã có lần tôi giật mình nhận thấy ngón tay chạm vào một thông báo trên màn hình mà không hề suy nghĩ. Tôi nhận ra tốc độ cùng cái giá của nó đối với tư duy. Vậy nên chăm chỉ đọc sách không chỉ đơn thuần là học tập. Với tôi, đó còn là một hình thức tu dưỡng.

Phần 2

Sau khi có thói quen đọc, vấn đề tiếp theo là tìm sách đáng để đọc và hiểu cách đọc để không phí sách hay.

Một lần nữa tôi nhận thấy “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”: trong thời gian học Cao học, tôi được quen biết một người anh có cùng đam mê đọc sách. Nhờ có anh, tôi biết đến các tác giả/bậc thầy như: Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phan Văn Trường, Lâm Minh Chánh, Thành Quân Ức. Sách từ những bậc thầy này giúp tôi mở mang đầu óc hơn. Cùng với những bậc thầy tôi ngưỡng mộ trong quá trình đọc sách từ trước như: Nguyên Phong, Alan Phan, Frank McCourt, Krishnamurti, Osho, Ueshiba Morihei, Miyamoto Mushashi, Lý Tiểu Long, Hermann Hesse, Nikos Kazantzakis, tôi đi đến một khám phá, có thể không mới mẻ với các bạn đọc sành sỏi, nhưng rất có ý nghĩa với tôi: Sách hay là những cuốn sách có thể đọc lại và càng đọc lại thì càng vỡ ra thêm lẽ hay. Tôi rất vui sướng với phát hiện nhỏ bé này của mình, và từ đó tôi đặt ra nguyên tắc là sẽ có những cuốn sách tôi cần đọc lại mỗi năm. Việc mua sách mới của tôi bây giờ là một dạng sở thích hoặc phục vụ hứng thú nghiên cứu theo chủ đề mỗi năm, nhưng không còn quá quan trọng nữa. Mua cũng được mà không mua cũng không sao. Do đó, tôi tạm an toàn trước những đợt quảng cáo rầm rộ, siêu giảm giá như vũ bão kèm theo danh sách những cuốn sách cần phải đọc được tung hô tràn lan.

Sách hay đã có, nhưng để sách hay khỏi phí thì chúng ta nên biết cách đọc. Khi trở thành giáo viên dạy các bạn nhỏ đọc sách tại dự án phát triển văn hóa đọc Sách Ơi Mở Ra, tôi đã được học hỏi thêm về các chiến thuật đọc. Dạy và Học quả thực có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, tôi ngộ ra con người ta không thể dạy được cái người ta không có. Nên muốn dạy học sinh “Đọc thông minh” thì trước hết bản thân tôi cần cố gắng rèn luyện để đừng “đọc kém thông minh”. Tương tự, để dạy “Kỹ năng Tự học” thì tôi cần phải có chút công phu, thành tựu trong việc tự học của mình.

Đang từ đọc theo bản năng chuyển đổi sang đọc một cách bài bản, có chiến thuật quả thực là không dễ. Nhưng việc nào khó cũng thành dễ nếu bản thân chăm thực hành, tôi nghĩ vậy. Sách Ơi Mở Ra có một thư viện, nên tôi thường đọc sách tại chỗ hoặc mượn sách mang về để rèn luyện các chiến thuật đọc mình mới học được. Việc đọc của tôi dần dần trở nên tươi sáng hơn nhờ cách đọc của tôi được điều chỉnh. Sau khi quen với các chiến thuật rồi, tôi không cần phải quá lo lắng nữa. Vì kỹ năng nào thuần thục rồi cũng sẽ quay về với bản năng, nhưng giờ đây tôi có thêm những bản năng mới, lý trí và khách quan hơn để việc đọc trở nên sáng suốt hơn.

Có lẽ đó là chi tiết then chốt giúp cho tôi đọc sách nhưng tư tưởng không bị ngập chìm trong sách theo kiểu “tin cả vào sách” hay “trăm sự nhờ…sách”. Tôi vẫn là tôi, thay vì là cái bóng của những tác giả tôi ngưỡng mộ.

Trò chuyện với những người đọc sách lâu năm cũng là trải nghiệm hết sức đáng nhớ. Bởi họ có con mắt rất tinh đời về cả nội dung lẫn hình thức sách. Bàn về một chủ đề nào đó, họ không nói đến từng cuốn mà là từng “mét” (m) sách. Bàn về cái hay của sách, họ không chỉ dừng lại ở tán đồng mà còn có phản biện.

Không phải ai cầm cuốn sách lên cũng giống như ai. Người đọc sách cũng có nhiều kiểu, điểm chung nhiều mà điểm riêng cũng không ít. Vậy tôi thấy mới thú vị, mới là có thực đọc. Nếu đọc sách ai cũng nghĩ như ai, thì sách đó quả độc hại, còn người đọc thì dễ dãi, đều không đáng để bàn luận nhiều.

Chuyện tôi đọc sách tản mạn (có thể lan man) như vậy đó. Nhưng bạn thông cảm, ký ức con người thì thường không được logic như kì vọng. Tôi cũng không có ý định dạy bảo hay truyền đạt gì nhiều để gói gọn lại thành các công thức, bí quyết “bách chiến bách thắng”.

Tôi nghĩ rằng để có thói quen đọc, trước hết bạn cần đọc. Để việc đọc có ích, thì việc đọc nên đi kèm với suy ngẫm, chiêm nghiệm. Còn để việc đọc hiệu quả, thì bạn cần biết rõ bản thân muốn gì.

 

Thay cho lời kết

Mong bạn gặp được những cuốn sách hay và biết những cách đọc hay. “Cái hay” là cái đúng lúc, phù hợp. Tôi nghiệm rằng việc đọc mang đến cho con người ta những thành tựu bên trong thay vì những thành công bên ngoài. Do đó, ham thích phân cao thấp, ưa tranh luận hơn thua, thích dẫn dắt, chỉ bảo người khác chưa hẳn là người đọc sách. Người đọc sách đáng trọng ở chỗ họ hiểu biết. Mà “Người biết thì không nói, người nói thì không biết”. Nhưng vậy hóa ra là im lặng “ủ mưu” ư? Không hẳn, vì “Người đáng nói mà không nói là phí người, người không đáng nói mà nói là phí lời”. Gặp tri âm, tri kỷ hay một tấm lòng hiếu học nào đó thì người đọc sách đâu có tiếc gì?

Còn ở chốn hội hè xa hoa hay tiệc tùng vui vẻ thì đừng trách người đọc sách kiệm lời. Bởi trong nơi chốn hưởng lạc của đời người, không ai muốn bàn đến lý lẽ, phần lo mất hứng, phần ngại mất thể diện của nhau. Người đọc sách đâu biết “Nghề chơi cũng lắm công phu” và người không đọc sách cũng đâu biết “Duy hữu độc thư cao” (chỉ có đọc sách là cao quý)? Suy cho cùng, hình như đều là biết trong cái không biết, nên cười xòa và chúc nhau những lời thân ái, thay vì bài bác lẫn nhau, dồn nhau thành những tay “học phiệt” và “tài phiệt”. Vui với nhau, bắt tay với nhau thì càng làm cho cuộc đời này thêm đáng sống: Người có tri thức sẽ thấy được tri thức của bản thân có ích, còn người có tiền bạc thì thấy được những chân trời mới lạ hơn.

Tôi đọc sách trước hết là vì bản thân mình, nếu sự đọc có chút ích lợi mà gặp nơi đắc dụng thì sẽ áp dụng để làm đẹp cho đời. Nếu cao vọng quá, thì thôi, tôi nghĩ rằng thêm một người đọc sách, trân quý sách cũng không làm cho cuộc đời xấu thêm. Đôi lúc, chắc chỉ khổ người thân và bạn bè của tôi thỉnh thoảng lại phải nhăn mặt nghe tôi chia sẻ niềm vui về việc mua được sách quý hay mới đọc xong một cuốn sách tâm đắc- trong khi cốc bia đang lạnh và mấy đĩa đồ nhắm đang thơm nức mũi.

 

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *