Chia sẻ,  Trải nghiệm sống

[Chia sẻ] Chuyện cơn bão

Cơn bão Yagi là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào Hà Nội mà tôi được chứng kiến kể từ khi sinh ra. Lần đầu tiên tôi thấy mực nước sông Hồng dâng sát cầu Long Biên đến thế, cũng lần đầu tiên tôi thấy những hàng cây lâu năm bị gió mưa quật đổ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng thấy được sự tàn phá khi bão quét qua Quảng Ninh, Hải Phòng và một số nơi khác.

Cơn bão cũng cho tôi thấy thêm đôi điều về con người. Những điều tôi thấy có lẽ không mới mẻ gì, nhưng tôi nghĩ đáng để viết. Nên bài viết này nhằm thu lượm lại những cảm nghĩ chủ quan, mong rằng những chia sẻ này sẽ không bị hiểu theo nghĩa tiêu cực.

Điều đầu tiên tôi ấn tượng (và chợt nhận ra đôi khi mình quên mất) chính là chúng ta đang sống cùng với thế hệ đã vượt qua chiến tranh. Họ chính là những ông, bà, bác, cô, chú nhìn rất bình thường nhưng đã phi thường sống sót sau thử thách của thời chiến. Những phút nguy cấn, cận kề với cái chết đã tôi luyện nên cho họ sự điềm tĩnh mà những người trẻ tuổi như tôi chưa thể có được. Chính sự từng trải ấy khiến họ không hốt hoảng khi bão về, bớt những hành động, lời nói thừa thãi và họ đơn giản chấp nhận việc xây dựng lại nhà cửa khi bão qua để ung dung sống tiếp. Nhận thức và hành động của họ không khoa trương mà rất chân thực để phục vụ cho việc sinh tồn.

Với tôi, trải nghiệm sống theo kiểu “Thép đã tôi thế đấy” của họ chính là thứ vốn vô cùng quý giá của dân tộc. Như câu “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi” trong bài thơ “Sang Thu”. Đứng trước những bậc cha chú ấy, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé và cần khiêm nhường, kính trọng họ hơn. Mong rằng phần nào đó thế hệ trẻ sẽ kế thừa được sự bất khuất của họ, khi lớp người này theo năm tháng đang dần mỏng đi.

Điều tiếp theo tôi ấn tượng là cảnh hàng hóa trong siêu thị bị vơ vét và nhiều người  hớt hải đi tích trữ lương thực. Tôi nhận ra nỗi sợ cái đói hình như còn lớn hơn nỗi sợ cái chết. Và trong lúc đói kém, người ta bớt quan tâm đến giá nhà đất, giá vàng và xe hơi. Có lẽ do lúc đói những thứ ấy sẽ không mài ra để ăn được. Nạn đói ở đây dường như không chỉ là cái cồn cào của bao tử, mà còn là cái thiếu thốn về mặt tinh thần. Khi bị cơn đói chi phối, người ta có thể làm tất cả để sống mà không quan tâm đến sống như thế nào? Nếu một lần nữa không may dịch bệnh hoặc bão tố kéo đến, thì có lẽ con người vẫn không thay đổi hành vi. Như vậy, say sưa bàn đến những tiến bộ công nghệ trong khi nhận thức vẫn chưa tiến bộ nhiều quả là một điều đáng buồn. Liệu có phải chúng ta đang rất giàu và đồng thời cũng rất nghèo không nhỉ?

Tiếp theo, câu chuyện làm từ thiện khống (chuyển tiền một mệnh giá và chỉnh sửa số tiền quyên góp lên gấp nhiều lần để khoe khoang trên mạng xã hội) cũng khiến tôi quan tâm. Thói khoe khoang là đáng chê cười, nhưng đáng chỉ trích hay không thì tôi có ý nghĩ như thế này:

Trước hết, họ là người có hành động. Dù góp ít hay nhiều, làm vẫn tốt hơn nói suông. Điểm thiếu sót là họ háo thắng và thiếu chín chắn, nặng lời hơn chút thì là khôn lỏi, ưa hư danh. Bản chất là như vậy, nhưng công khai tên tuổi của họ kèm theo đó là chỉ trích họ, tạo áp lực để họ nộp đủ số tiền như họ khoe khoang lại là việc khác. Nhìn từ góc độ giáo dục, tôi nghĩ hành động này sẽ hơi khó cảm hóa được con người và thay vì gia tăng tính đoàn kết, tương trợ trong cơn hoạn nạn, chúng ta có thể tự suy yếu khi đánh mất đi sự nhiệt tâm của những cá nhân có ý thức hỗ trợ.

Lần tới, có thể họ sẽ lựa chọn khác đi khi được kêu gọi. Việc bóc quà khi được tặng cũng như chê bôi số tiền mừng trong một đám cưới cũng ít nhiều tương đồng như vậy- được của nhưng mất người thì tôi nghĩ chưa hẳn là được.

Điều tôi lo ngại hơn cả là sự hào hứng của một bộ phận trong việc chê bai những người trót “phông bạt” lần này. Vì sự hả hê đó không lành mạnh. Nếu chúng ta vui mừng khi nhìn thấy khuyết điểm của người khác, thì đó là lúc chúng ta cần ngay lập tức xét lại mình. Bởi nỗi cay đắng chúng ta trao cho người khác đôi khi lại là thứ đang ấp ủ trong lòng chưa có cơ hội giải tỏa. Như thầy Thu Giang Nguyễn Duy Cần từng cảnh tỉnh trong sách: đừng tự mãn khi nghĩ rằng đời đục cả, mình ta trong. Tôi nghĩ người cao thượng là người không sỗ sàng chỉ ra sự thấp kém của người khác mà sẽ từ tốn khuyên bảo, nếu thực sự mang thiện ý muốn người khác tốt đẹp lên.

Cuối cùng là việc trực tiếp đi cứu trợ mang tính tự phát của những cá nhân, tổ chức. Thời đại học, các bạn học và tôi cũng đi làm từ thiện nên phần nào tôi hiểu được sự nhiệt tình và tinh thần tương thân, tương ái trong nghĩa cử hào hiệp ấy. Tôi không dám chê trách điều gì ở họ. Như đã khẳng định phía trên, trong cơn hoạn nạn thì hành động bao giờ cũng tốt hơn nói suông và “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Mặc dù vậy, sự hào hiệp kèm theo thiếu kỹ năng sẽ dẫn đến liều lĩnh, thay vì mang lại kết quả thì có thể gây ra thêm hậu quả. Khi xem các bản tin trên mạng xã hội đề cập đến các đoàn đi từ thiện, tôi cảm thấy khá lo lắng cho họ. Bởi họ chưa được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng và các công cụ chuyên dụng dành cho việc cứu trợ. Lái xe dưới thời tiết gió bão, mưa lụt trong khi chưa thông thuộc đường xá là đang đùa với tử thần.

Số phận của những hiện vật được quyên góp cũng khiến tôi băn khoăn. Bởi nếu là người từ nơi khác đến thì làm thế nào để tiếp cận khu dân cư bị cô lập? Làm thế nào để biết người bị nạn đang thực sự cần những nhu yếu phẩm ấy? làm thế nào để tình trạng nơi không thực sự cần thì có quá nhiều đoàn đến, trong khi nơi thực sự cần thì không đoàn nào ghé qua? Những tặng phẩm này cũng là tiền bạc được quyên góp với ý muốn tốt đẹp, nhưng nếu bị quăng lại, đổ đống cho hư hỏng, lãng phí thì tôi thấy thật đáng tiếc.

Cá nhân tôi có thiện cảm với những hành vi cứu trợ phù hợp với khả năng hơn. Ví dụ như nếu là bà con buôn bán ngoài chợ thì cứu trợ bằng việc không tranh thủ tăng giá thực phẩm vô lý trong cơn hoạn nạn, người bán nước chè, bán bánh mỳ ven đường thì tùy tâm đãi nước, bánh các anh chị góp sức dọn dẹp đường phố, thợ xây, thợ sắt không tăng giá quá cao khi tham gia lợp mái, dựng nhà sau bão v.v. thì theo tôi đã có công đức từ thiện. Người nhân đức là người không đầu cơ trục lợi khi người khác gặp cảnh bất hạnh. Dĩ nhiên là họ sẽ hơi thiệt thòi một chút vì không phải lúc nào những hành vi ấy cũng tiện quay chụp để đăng lên mạng xã hội. Phần lợi lạc sẽ dành cho con cháu của họ sau. Vì nhà tích phúc thì con cháu sẽ không thiệt.

Cuối cùng, đi qua cơn bão hẳn nhiều người trong số chúng ta sẽ nhận ra điều gì là quan trọng khi không thể liên lạc với người thân trong gia đình. Đặc biệt là ông bà, cha mẹ.

Dường như khi thiên nhiên gửi đến cho nhân loại những cuồng phong, thì điều ấy có nghĩa chúng ta đang chưa tôn trọng thiên nhiên và có những ứng xử khiến thiên nhiên muốn chúng ta tỉnh ngộ để biết vị trí của mình đang ở đâu trên hành tinh này: “cứ tự nhiên như ở nhà nhưng đừng quên mình là khách”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *