Review Sách,  Sách Khác,  Sách Kỹ năng

[Review Sách] “Thuật Yêu Đương”: Thành Bại Tại Đón Đưa

Là một nhà nghiên cứu đúng nghĩa, tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị. Nhưng, trong số đó có một công trình thật độc đáo, bởi chứa đựng suy ngẫm của những giờ phút ông rời thư phòng của mình và lắng nghe tiếng đời vọng lại. Tác phẩm ấy mang tên gọi cũng rất đời, rất người. Đó là cuốn “Thuật yêu đương”.

Yêu là khởi đầu…

Trong giới tự nhiên, tình yêu thật dễ hiểu. Đó là mùa con trống, con mái đi tìm bạn tình để sinh con, đẻ cái. Nếu ta nhìn nhận ở góc độ sinh học, đó là tập tính để duy trì nói giống, sự hấp dẫn về mặt giới tính.

Nếu ta thi vị hóa lên, thì hành vi ấy được thúc đẩy từ tình yêu tràn ngập ở nhân thế giúp cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Không ai có thể nói trước là nên yêu hay không nên yêu vì lẽ điều đó nằm trên hiểu biết của con người và được vận hành bởi điều bí ẩn.

Điều bí ẩn ấy buộc con người phải tìm kiếm, phải thổn thức, phải hạnh phúc hoặc phải đau khổ vì lựa chọn của chính mình. Đâu có dễ dàng, vì khi tìm kiếm con người dựa trên hình mẫu, được hình mẫu lý tưởng rồi nhưng lại không tương hợp thì cõi lòng thổn thức. Đến khi chung đôi, tưởng rằng hạnh phúc sẽ đến nhưng từ đâu, sự thay lòng đổi dạ mang theo bao đau khổ.

Hiếm có trạng thái tâm lý nào có sự song hành giữa hi vọng và thất vọng thay đổi nhanh chóng như khi người ta yêu.

Vậy khi nào con người biết yêu?

Đó là khi họ hiểu rõ về bản thân mình. Dĩ nhiên đây chỉ là một định nghĩa mang tính chất tham khảo. Nói đến biết yêu, có người nghĩ đến lứa tuổi, có người nghĩ đến việc biết cách để có bạn trai, bạn gái, có người nghĩ đến những rung động đầu đời, thật rất nhiều.

 Nhưng tôi nghĩ, biết yêu chỉ đến khi con người ta hiểu rõ chính mình. Vì yêu cần sự cho đi nhiều hơn nhận lại và người ta không thể cho đi khi người ta chưa hiểu điều gì trong cuộc sống này là thực sự quan trọng đối với bản thân. Nó giống với thói quen tích trữ những món đồ lặt vặt lâu ngày không dùng đến với suy nghĩ sẽ có lúc cần, nó vẫn còn tốt hoặc đợi ai đó thích thì sẽ cho. Nhưng rồi ngày này qua năm khác, nó vẫn nằm ở đó và không được đem cho ai cả. Vậy nên, con người cần hiểu rõ chính mình trước, thế nhưng ở giai đoạn này,  họ phải đối mặt với một nỗi sợ khủng khiếp: cô đơn. Trong cuộc sống hiện đại, mỗi ngày trôi đi chúng ta đều đọc rất nhiều và nghe rất nhiều thành ra lượng thông tin đó bám chặt lấy nhận thức và tạo ra tư duy thụ động. Nói theo cách người khác nói, thích theo cách người khác thích, lựa chọn theo cách người khác lựa chọn và nguy hiểm nhất là cũng yêu theo cách người khác yêu. Mọi sự vẻ ngoài dễ dàng, thuận lợi luôn ẩn chứa nguy cơ nhất định. Sau đôi lần va vấp do sự ích kỷ của bản thân, có không ít người đã vội vã kết luận về tình yêu rồi thì khoác cho nó chiếc áo thực dụng để rồi tiếp tục tìm người yêu nhưng không bao giờ được yêu đúng nghĩa.

Nếu lúc ấy suy ngẫm lại mới thấy sự cô đơn giúp con người ta trưởng thành, nhận thức đúng về giá trị của tình yêu và tạo dựng đủ lòng can đảm để chiến thắng những cám dỗ đời thường để sống có trách nhiệm. Trước khi yêu, cần biết cách sống cô đơn, thân thiện để hiểu mình, hiểu người. Cho đến một ngày đẹp trời tìm ra tình yêu lí tưởng thì cũng vô tư tận hưởng hay nếu một ngày xấu trời khác, tình đến rồi đi thì cũng thoải mái ung dung lại sống chung với cô đơn.

Ái tình giống với một đồng cỏ xanh mướt thênh thang khiến bao người sẵn sàng dấn thân vì vẻ ngoài xinh đẹp của nó. Tiếc thay những ảo mộng lúc đầu khiến cỏ xanh là vậy, trời cao là vậy đột nhiên biến thành hoang mạc chói chang với ánh nắng gay gắt.

Yêu là kết thúc…

Vì ái tình vẫn là ái tình cho đến khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, còn sau ngưỡng cửa hôn nhân, tuy ái tình không phải đã hết nhưng cũng chẳng còn máu phiêu lưu can trường với chất men say ngây ngất khiến người ta bất chấp tất cả.

Tình yêu đôi khi là một trận chiến sống còn mà ai cũng mong giành chiến thắng: đạt được hạnh phúc. Nhưng tiếc thay, chưa có bộ môn nào giảng dạy chuyên sâu về nghệ thuật này khi ta còn ngồi trên ghế nhà trường, cộng thêm tư tưởng của một số bậc phụ huynh thủ cựu không nên “Vẽ đường cho hươu chạy” mà thành ra nhiều mối tình đẹp đổ bể và nhiều cặp đôi tưởng chừng rất hạnh phúc khi lấy được nhau lại thành ra tan đàn xẻ nghé, bỏ lại con cái bơ vơ bởi những nguyên nhân vu vơ.

Vì thế tác phẩm “Thuật yêu đương” của tác giả Thu giang Nguyễn Duy Cần là một gợi ý thiết thực cho những ai đã yêu, đang yêu và sẽ yêu. Ở đó có những ví dụ sinh động về các mối quan hệ giống với tình yêu mà người đời hay nhầm lẫn, có sự gián tiếp định nghĩa tình yêu và giúp người đọc hiểu một chân lý giản dị đó là: để được yêu thì phải biết cách yêu.

Tình yêu không thể đơn thuần là những cơn sóng dạt dào cảm xúc mang tính nhất thời, cũng không thể chỉ là những thú vui thể xác thuần túy mà tình yêu đẹp và thiêng liêng bởi nó đi kèm những trách nhiệm cụ thể, đó là hôn nhân. Hôn nhân hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc mà gia đình hạnh phúc thì từng thành viên trong gia đình mới cảm nhận được hạnh phúc của chính mình.

Nhưng trước khi bàn đến kết thúc tốt đẹp ấy, tác giả đã đi vào phân tích các góc cạnh khác nhau giữa nam giới và nữ giới. Quan trọng nhất là tổng kết và lý giải được tính hiếu thắng của đàn ông và khao khát tình cảm của phụ nữ ảnh hưởng đến tình yêu ra sao.

Với đàn ông, tình yêu là một trong số rất nhiều thử thách để chứng tỏ bản thân với cuộc đời, lúc được lúc mất, có “thua keo này, ta bày keo khác”, hiếm người đàn ông gửi gắm lý tưởng cuộc đời mình nơi việc lập gia đình, chẳng thế mà cặp anh hùng và mỹ nhân Từ Hải – Thúy Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn Du dù rằng “Trai anh hùng, gái thuyền quyên – Phỉ nguyên sáng phượng đẹp duyên cưỡi rồng” nhưng cũng không thể hạnh phúc trọn đời bởi “Nửa năm hương lửa đương nồng – Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”.

Điều này cũng lý giải phần nào tính ham của lạ của đàn ông và tính đa nghi trong tình yêu. Ngược lại, phụ nữ tin tình yêu là một cái cây hết sức rõ ràng mà quả ngọt họ muốn thu hoạch là hôn nhân. Nữ giới thiên về cảm xúc nhiều hơn và mong có sự ổn định hơn nam giới. Mục đích cuộc đời là tìm được một đức ông chồng xứng đáng để “Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha” rồi vui sống đời đầm ấm, yêu thương chăm sóc và được yêu thương, chăm sóc. Yêu đương bởi có nhiều trắc trở đến vậy nên người ta buộc phải học.

Đó không phải là học để tích lũy một mớ kiến thức rập khuôn, đó là học để tránh mắc phải những sai lầm để nếu đến được với nhau thì cũng tạo dựng được hạnh phúc lâu bền trong hôn nhân còn nếu không thể đến được với nhau thì cũng biết mỉm cười cao thượng “Tình chỉ đẹp khi tình dang dở” mà đi tìm hạnh phúc mới.

Thiết nghĩ, một xã hội tốt đẹp là một xã hội với những gia đình tràn ngập tình yêu thương bởi những trái tim nhiệt huyết và những tâm trí sáng suốt.

Yêu là đón đưa

Đón đưa ở đây tức là tinh tế và không vội vàng. Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn mọi sự tốt đẹp, thuận lợi và giản đơn. Đôi lúc, trời cũng chiều lòng người nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Không quá đáng khi nói rằng hạnh phúc không tự đến mà cần nỗ lực mưu cầu. Mưu cầu ở đây không phải là những thủ đoạn hẹp hòi để thỏa mãn cái tôi, mà là phương pháp hợp lý để tạo nên cái kết luận tạm gọi là “đúng người, đúng thời điểm”. Muốn vậy, cần lưu tâm suy ngẫm mấy điểm tác giả đã vạch sẵn dưới đây, đó cũng chính là thuật “đón đưa” trong yêu đương:

Làm vui lòng nhau: Biết lắng nghe, không cãi vã, không nói xấu, không nói thẳng sự thật, giữ lễ độ, chú trọng trang phục.

Nghệ thuật gìn giữ tình yêu: Phải biết bỏ qua và độ lượng, biết tin tưởng lẫn nhau, thỉnh thoảng nên xa nhau và ghi nhớ dù người yêu đã thuộc về mình nhưng không phải bắt buộc là người của mình mãi mãi. Khi tặng quà, với người cho cũng cần lưu ý sự chân thành, tặng những món quà sao cho phù hợp tâm tính của đối phương. Ghi nhớ, cho mà không hết thì không hẳn là cho. Còn đối với người nhận, cần bày tỏ thái độ trân trọng cũng như nhìn nhận đúng giá trị tình cảm của món quà thay vì chỉ quan tâm đến giá trị vật chất.

Cuối cùng, yêu là một sự thừa nhận cá tính của nhau. Bản chất tình yêu là một đứa trẻ, dù lắm khi chỉ biết quan tâm đến mình nhưng trên tất cả vẫn là sự hồn nhiên, thánh thiện và bao dung. Đứa trẻ tận hưởng mọi niềm vui trong cuộc sống mà không có sự cam kết hay rằng buộc nào cả và đó cũng là lý do nó có thể say sưa tận hưởng từng khoảnh khắc. Vốn từng nghe “Không có tình yêu vĩnh cửu, chỉ có những phút vĩnh cửu của tình yêu” nhưng liệu mấy ai sẵn sàng cho đi hết mà không mong nhận lại?

Đến với tác phẩm “Thuật yêu đương” của tác giả Thu giang Nguyễn Duy Cần, bạn đọc sẽ có cơ hội khám phá những chân trời mới của tình yêu, những ý nghĩa tế nhị của từng chi tiết tưởng chừng như vô nghĩa khi những cảm xúc lãng mạn đương độ dào dạt. Vấn đề là, cần phải biết yêu để luôn giữ được tình yêu trong trái tim của mình.

Review chi tiết bởi Nguyễn Phú Hoàng Nam

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *