Review Sách,  Sách Triết học - Tâm linh

[Review Sách] Sức mạnh của hiện tại

Hiện tại là nguồn sức mạnh lớn lao đến mức thường xuyên bị con người coi như không có thực. Nếu đang bị dằn vặt bởi những ý nghĩ về quá khứ hay tương lai, đừng vội vàng cho rằng bản thân có vấn đề về tâm lý. Thay vào đó, bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Sức mạnh của hiện tại”, tác giả Eckhart Tolle.

Eckhart Tolle là một bậc thầy tâm linh nổi tiếng, được sinh ra tại Đức. Nhưng trước đó, ông cũng giống bạn và tôi, cũng là một con người có những trăn trở và gặp vấn đề với chính mình cho tới năm hai mươi chín tuổi: ông tin rằng bản thân đã trải qua “một sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc”. Sự chuyển hóa đó là gì? tôi nghĩ rằng nó có liên quan rất lớn đến sức mạnh của thực tại. Eckhart Tolle đã hào phóng chia sẻ khám phá này với thế giới, do đó chúng ta không nên lãng phí món quà quý báu này- một chân lý giản đơn song lại rất nhiệm màu.

“Sức mạnh của hiện tại” gồm có 10 chương với dung lượng khoảng 400 trang. Sách được trình bày ở dạng hỏi – đáp nhưng tôi nhận thấy không hề khô khan. Bởi các câu hỏi trong sách được chọn lọc rất cẩn thận nhưng vẫn gẫn gũi với suy nghĩ thường ngày của chúng ta. Ví dụ như: “Giác ngộ là gì?”, “Trở ngại lớn nhất ngăn cản ta trải nghiệm được thực tại này là gì?”, “Có khi phút giây hiện tại lại là một điều khó có thể chấp nhận, không hề vui vẻ, mà có khi lại còn quá sức tồi tệ thì sao?” v.v.

Trong khuôn khổ bài review, tôi sẽ điểm ra những phần khiến tôi tâm đắc nhất và tin rằng hữu ích nhất với những bạn đọc mới biết đến sức mạnh của thực tại.

Trí năng và thực tại

“Cuộc sống là cuộc sống – luôn diễn ra với tất cả những gì bất ngờ và cả những biến cố, những điều không mong chờ nhất! Hãy quan sát cách trí năng bạn liên tục phán xét, và đặt tên cho nó, điều đó gây thêm đau khổ và bất an trong bạn”

(Sức mạnh của hiện tại, trang 61)

Trí năng (hay lý trí- là những suy tư tiêu cực, hay cảm xúc lo sợ miên man, không có chủ đích ở trong đầu mình) có lẽ là công cụ tốt nhất mà con người có được, thay cho móng vuốt, răng nanh, nọc độc. Nhưng cũng chính trí năng trong tình trạng bị lạm dụng đã tạo ra những thứ tương tự như móng vuốt, răng nanh, nọc độc bên trong chúng ta. Bạn sẽ chìm vào suy nghĩ khi gặp khó khăn, tiếp tục suy nghĩ khi đã tìm ra giải pháp và giải quyết xong vấn đề rồi, bạn vẫn tiếp tục suy nghĩ về nó. Trí năng tựa như một ông quản đốc xảo quyệt liên tục giao việc để cho bạn không có cơ hội nhận ra sự vô ích trong lịch trình khép kín đó. 

Trí năng lôi bạn về quá khứ hoặc kéo bạn tới tương lai. Sáng sáng và tối tối, bạn lo nghĩ về những việc đã qua và băn khoăn về những việc chưa tới, còn trí năng thì vui vẻ đếm từng “xấp thời gian” bòn rút được từ bạn. Đây là minh chứng rõ rệt cho bi kịch của công cụ quá tốt sẽ biến người chủ thành nô lệ, mà chưa cần thiết phải nhắc tới Trí thông minh nhân tạo (AI). Máy móc bên ngoài không đáng sợ bằng máy móc bên trong, thứ kiềm tỏa cuộc đời của mỗi người cuối cùng lại chính là trí năng của họ. 

Đó là lý do vì sao chúng ta cần học cách để sử dụng trí năng, thay vì ngược lại. Đây chính là xuất phát điểm của sống trong thực tại, hiện hữu.

Thực tại và an bình

“Tìm lại được trực giác của mình về Sự Hiện Hữu và đi sâu vào trong trạng thái Cảm-Nhận-Bằng-Trực-Giác ấy tức là Giác Ngộ.” 

(Sức mạnh của hiện tại, trang 25)

Có lẽ bạn sẽ thắc mắc là làm thế nào để được như vậy? Hầu hết chúng ta đều suy nghĩ theo hướng tìm giải pháp, vì “làm thế nào?” là thứ đầu tiên và cũng là duy nhất trí năng ưa thích. Đó là lý do vì sao đối với một số người việc “không làm” khó hơn “làm” rất nhiều. Nhưng đã đến lúc thay đổi thực tế ấy, nếu bạn bắt đầu cảm thấy cuộc sống càng ngày càng trở nên trống rỗng, không có cảm hứng cho bất kì điều gì và sự vui sướng đến từ các kích thích bên ngoài càng ngày càng trở nên nhạt nhẽo.

Hãy quay về, lặng yên và chú tâm ghi nhận thực tại. Quá trình nhận thức sự việc diễn ra theo cách nó đang là, ở trong khoảnh khắc hiện tại, có sức mạnh trị liệu rất lớn. Các luồng suy nghĩ sẽ ngừng gầm thét, kèm theo đó nỗi bất an, phẫn nộ của bạn cũng không thể tồn tại- vì cảm xúc tiêu cực đó kí sinh với những ý nghĩ tiêu cực.

Sống trong thực tại mang đến bạn sự an bình. Nhưng vì sao đời người thường hiếm khi cảm thấy an bình? bởi chúng ta sợ hãi khi phải buông bỏ.

An bình và buông bỏ

Một quy luật tâm lý mà không cần thiết phải là một nhà tâm lý học thì cả bạn và tôi đều biết: Con người thích thêm, ghét bớt. Quy luật ấy được các nhà quảng cáo nắm rất rõ, nên khi mua hàng hóa, họ thường tặng thêm chúng ta một thứ gì đó để khuyến khích chúng ta tiêu dùng nhiều hơn. Những mối quan hệ sơ giao có mục đích cũng vậy, luôn được mở màn bằng những tặng phẩm. 

Hãy thử lắng nghe câu chuyện của những người xung quanh mà xem, bạn sẽ thấy rõ họ thường tự hào khi chia sẻ về những điều bản thân đạt được/mua được/thêm được. Đối với nhân loại, “thêm” đồng hóa với sự “được”, còn “bớt” đồng nghĩa là “mất”. Chủ nghĩa vật chất đề cao sự gia tăng, hướng con người ta đến sự thịnh vượng bề ngoài gắn liền với sở hữu, chiếm đoạt. Hệ thống này quy định bạn càng tư hữu nhiều thì thứ hạng của bạn càng cao. Nhưng thứ hạng trong hệ thống này của bạn càng cao, thì nguy cơ mất cân bằng nội tâm của bạn càng lớn. Vì bạn đang phát triển bản ngã. 

Bản ngã càng lớn thì sự vô minh và khối đau khổ càng trở nên sâu dày. Bởi con người là một phần của vũ trụ, thậm chí là chính vũ trụ ấy. Bản ngã càng lớn, bạn càng xa cách khỏi nguồn cội của chính mình để rồi dần dần khô héo cho tới lúc suy kiệt (nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn thì bạn có thể đọc cuốn “Ma Trận Thần Thánh” của Gragg Braden).

Theo cách hiểu của tôi khi đọc cuốn sách này, thì thông điệp của tác giả về sự buông bỏ không phải là khuyên chúng ta từ bỏ cuộc đời hay quay về lối sống nguyên thủy. Eckhart Tolle muốn chúng ta sử dụng sức mạnh của hiện tại để buông bỏ một cách có trí tuệ và người biết buông bỏ cũng là người có thể nhận được toàn vẹn nhất sức mạnh của hiện tại. Vì đời người là một hành trình có điểm đầu và điểm cuối, làm sao chúng ta có thể trốn tránh sự buông bỏ khi nó là một quy luật tất yếu của thân xác? 

Chúng ta có thể thực tập buông bỏ những thứ không thực sự là chính mình như: ý nghĩ, lòng ham muốn, sự giận dữ, ghen ghét, hận thù. Buông bỏ những thứ không thực sự là của mình như: những tài sản mình không làm ra, những địa vị mình không phù hợp và những mối quan hệ vô nghĩa. 

Trạng thái buông bỏ vô tư ấy sẽ dẫn bạn tới một niềm an bình đầy bao dung, chấp nhận vô điều kiện mọi việc xảy ra như cách nó vốn là. Nghe có vẻ đơn giản phải không? Vậy mà loài vật, điển hình như chó, mèo nhận ra sự thật đơn giản ấy sớm hơn chúng ta rất nhiều, bạn ạ. Còn hầu hết chúng ta hình như vẫn đang khó khăn, loay hoay với điều giản đơn ấy. 

Vì có lẽ đôi khi chúng ta muốn áp đặt hiện thực vào những khung tư duy, khái niệm cố hữu. Điển hình như liệu sự buông bỏ này có phải là sản phẩm của triết học Khắc Kỷ hay một đại biểu sinh động của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ hay không? câu trả lời cũng hữu ích nếu như nó có ý nghĩa cho sự giải phóng của bạn. Còn nếu câu trả lời chỉ khiến cho bạn vướng vào ngôn từ và tranh biện “phải – trái, đúng – sai”, “khắc” hay “bất khắc”, “kỷ” hay “vô kỷ” thì tâm trí bạn lại đang “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” như trong ca từ nhạc Trịnh thì phải?

“Chấp nhận vô điều kiện mọi việc là một triết lý rất đơn giản nhưng sâu xa, rằng ta nên nương theo hơn là đi ngược lại dòng chảy của đời sống.  Và tiêu điểm duy nhất mà bạn có thể trải nghiệm dòng chảy ấy của đời sống là phút giây hiện tại.”

(Sức mạnh của hiện tại, trang 310)

Thay cho lời kết

Bài review của tôi không phải là để các bạn đỡ tốn công sức, thời gian đọc sách. Nên tôi dừng lại ở việc chia sẻ những phần tuy có giá trị song chưa phải là tất cả những điều hay nhất của cuốn sách này. Như mọi khi, bạn nên cố gắng tìm đọc sách và tự trải nghiệm.

Không ai ngăn bạn bước đi trên con đường thực tập để thoát khổ, ngoại trừ chính “cái tôi” của bạn. Không thứ gì đánh cắp thực tại của bạn, ngoài trừ chính suy nghĩ của bạn.

Cá nhân tôi cảm nhận cuốn sách “Sức mạnh của hiện tại” tương đối dễ đọc, nhưng không phải tất cả chúng ta đều cảm thấy dễ thực hành theo. Nếu còn lăn tăn về độ dài của sách, sẽ còn một lựa chọn khác dễ dàng hơn với bạn đọc, đó là cuốn “Đi vào thực tại”. Đây là cuốn sách rút tỉa lại những điều tinh yếu nhất từ trí tuệ của Eckhart Tolle kèm theo hình ảnh trực quan thú vị về những chú chó và những chú mèo hiện hữu trọn vẹn trong cuộc đời của chúng.

Nếu nhận ra lợi ích từ thông điệp mà Eckhart Tolle chia sẻ, bạn sẽ vui mừng nhận ra “đời không hẳn là bể khổ”- đặc biệt là vào một ngày nắng nóng và bạn thì lại “biết bơi”. 

Bạn thấy sách đáng để đọc chứ?

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *