[Review Sách] “Nói Không với Nghịch Cảnh”: Đối Mặt Để Chiến Thắng
Khi cất tiếng khóc chào đời, con người đã có dự cảm về những nghịch cảnh sẽ đến. Rồi một ngày, nghịch cảnh thực sự tìm đến, không ai dỗ dành, không ai nuông chiều để bản thân ngừng khóc, mà thay vào đó chỉ có tiếng cười do chúng ta tạo ra mới có thể chiến thắng tất cả. Sách Nói không với nghịch cảnh của tác giả Li LENG (Phương Linh dịch) sẽ đem đến cho bạn đọc nguồn cảm hứng và dũng khí đi tìm nụ cười ấy.
Nghịch cảnh – món quà miễn phí từ cuộc sống
Những người từ chối khuất phục trở ngại là những người chín chắn,
Chịu trách nhiệm cho chính mình trong thế giới tăm tối
Họ không muốn sống cuộc sống ăn mày tình thương của người khác,
Không tuyệt vọng và cũng không kiếm cớ.
Nghịch cảnh là những hoàn cảnh trái với mong muốn, không thuận lợi để khiến con người nản chí. Nếu tư duy tích cực thì bạn sẽ liên tưởng nó với những bài tập nhằm đốt cháy calo trong phòng tập gym, nhưng nếu suy nghĩ tiêu cực thì bạn sẽ có cảm giác mình là người duy nhất phải đối mặt với nó trong khi bản thân không đáng bị như vậy.
Đa số, chúng ta quan niệm về nghịch cảnh theo cách tiêu cực. Bởi vậy, nghịch cảnh càng trở nên “chất” hơn và đáng để kêu ca hơn.
Những ví dụ như bị ốm trong đúng ngày có bài kiểm tra quan trọng, gia đình có việc cần phải ở nhà trong khi có hẹn với bạn bè, không đủ tiền mua món đồ mình yêu thích, chia tay người yêu, đôi giày đắt tiền mới mua bị hỏng v.v… đôi khi cũng được xếp vào nhóm nghịch cảnh. Thế nhưng nếu quan tâm hơn đến nhóm này, bạn sẽ nhận ra ở đó còn bao gồm cả những trẻ em khuyết tật, những thanh niên bị tàn phế do tai nạn, những con người đáng thương mắc bệnh hiểm nghèo nữa.
Nghịch cảnh không phải là những hoàn cảnh không thuận theo ý muốn thuần túy của ta, nghịch cảnh là thứ gì đó khốc liệt hơn và thúc đẩy sự vươn lên mạnh mẽ trong nội tâm với ý chí thực sự kiên cường. Vậy nên, trước khi nghĩ rằng bản thân đang phải trải qua nghịch cảnh thì hãy xét lại xem tình huống ấy, vấn đề ấy có đáng là một nghịch cảnh hay không. Hãy bắt đầu có cách nhìn khác đối với những khó khăn, rắc rối nhỏ trong cuộc sống để kiên nhẫn giải quyết chúng theo cách đúng đắn nhất có thể. Bởi đôi khi vấn đề không nằm ở tình huống mà ở cách nhìn nhận của chúng ta.
Bây giờ hãy cũng nhau bước tiếp hành trình nói không với những nghịch cảnh thực sự- món quà miễn phí từ cuộc sống.
Lược sử Hawking
Năm 1988, cuốn sách Lược sử thời gian được xuất bản, cùng năm đó mang lại giải thưởng Wolf về Vật Lí cho tác giả Stephen Hawking. Hiếm có cuốn sách nào của một nhà khoa học lại có thể trở thành sách bán chạy, có lượng phát hành lên tới hàng triệu bản như Lược sử thời gian, bình quân trên thế giới cứ 500 người lại có một người sở hữu cuốn sách này. Ở phương Tây, chưa đọc Lược sử thời gian còn bị coi là thiếu hiểu biết. Tác giả cuốn sách này- Stephen Hawking- nhà tư tưởng, nhà vật lí học, người được coi là “Einstein đương đại” là người mắc hội chứng xơ cứng teo cơ (ALS), ông đã hoàn toàn mất đi khả năng tự do đi lại, cử động và sinh hoạt bình thường, chỉ có thể ngồi trên xe lăn cả đời
Cần phải nói thêm ALS là căn bệnh khiến các tế bào thần kinh lần lượt chết đi, dẫn tới người bệnh chết vì viêm phổi hoặc ngạt thở. Điều chúng ta có thể nhìn thấy ở đây là nỗ lực phi thường để vượt qua cái chết và sự đau khổ. Trong tình huống này Hawking buộc phải đối diện trực tiếp với cái chết được dự báo trước. Đó là cảm giác kinh khủng tiếp nối ngày này qua ngày khác, cảm thấy mình đang chết dần song không có cách gì để ngăn nó lại. Sự chờ đợi cái chết ấy kéo dài cả cuộc đời. Khác với những con người khỏe mạnh tận hưởng nhiều thú vui để có thể sống mà quên đi thời khắc phải đối mặt với cái chết như: tiệc tùng, vui chơi, du lịch, ăn uống, tiền bạc, danh vọng- chỉ có Hawking và cái chết được dự báo rõ ràng đồng hành cùng nhau.
Câu trả lời của Hawking là tiếp tục say mê nghiên cứu, làm việc. Dù rằng trớ trêu thay, cứ mỗi lần thành tựu của ông được thế giới ghi nhận thì bệnh tình lại ngày càng xấu đi. Sự đau khổ của một trí tuệ mẫn tiệp bị giam giữ trong một thể xác bệnh tật là điều đã cản trở ông đến với rất nhiều hoài bão. Thế nhưng, câu trả lời của Hawking vẫn là tiếp tục làm việc bằng cái nhìn lạc quan. Ngoài đam mê nghiên cứu, ông luôn cố gắng để sống như người bình thường và tự mình làm lấy mọi việc, nếu có thể.
Giữa lựa chọn hoàn toàn nghỉ ngơi dưỡng bệnh, nương tựa vào tình thương của người khác để sống cho qua ngày đoạn tháng thì Hawking đã lựa chọn tiến bước đến cùng. Không phải đôi nạng gỗ hay chiếc xe lăn đã giúp ông bước đi mà chính là nghị lực của ông đã làm điều kì diệu đó trong nghịch cảnh. Thành quả nghiên cứu miệt mài được đền đáp xứng đáng là minh chứng sống động nhất cho cuộc chiến buộc nghịch cảnh phải quy phục của Hawking. Khi nhìn lại cuộc đời của ông, chúng ta thấy khái niệm bất hạnh và may mắn không còn rõ ràng nữa, bởi Hawking đã thành công trong việc tự tạo nên vận may cho chính mình trong nghịch cảnh bằng cách không đầu hàng số phận. Câu chuyện này cho chúng ta thấy triết lí biết chấp nhận để rồi giành chiến thắng là con đường san bằng mọi nghịch cảnh.
Cuộc đời truyện tranh của Sái Chí Trung
Đó là năm 1963, Sái Chí Trung khi đó mười lăm tuổi. Một buổi tối, cha Sái Chí Trung ngồi đọc báo trên ghế mây như mọi khi, Sái Chí Trung bước tới sau lưng ông, rụt rè nói: “Cha ơi, ngày mai con đi Đài Bắc vẽ truyện tranh”
Cha ông không ngẩng đầu lên: “Có công việc không ?”
“Có rồi ạ.”
“Thế thì đi đi.”
Sau mười mấy giây ngắn ngủi đó, ông một thân một mình rời xa gia đình lên Đài Bắc lập nghiệp, trong người chỉ có đúng hai trăm năm mươi tệ. Bây giờ hơn năm mươi năm đã trôi qua, truyện tranh của Sái Chí Trung đã được xuất bản và phát hành ở ba mươi tám quốc gia, tổng lượng in lên đến bốn mươi triệu bản.
Có lẽ không ít độc giả sẽ ngạc nhiên bởi đoạn đối thoại bên trên của hai cha con Sái Chí Trung. Ngày nay trong chủ đề như vậy chúng ta thường phải nghe các câu trả lời đại loại như: “Lo tập trung học hành rồi tìm công việc ổn định”; “Truyện tranh vớ vẩn, học bài đi”; “Bao công sức cho ăn học giờ lại vẽ truyện tranh lêu lổng”; “Tí tuổi đầu đã muốn bỏ nhà đi” v.v…
Các bậc cha mẹ sẽ định hướng cho con cái thứ mà họ muốn cũng như điều mà họ cho là tốt. Bởi vì dựa vào các mối quan hệ, khả năng tài chính cũng như kinh nghiệm sống lớn hơn của mình, họ tin họ đang đúng. Thế nhưng mọi chuyện đâu đơn giản và dễ dàng như vậy: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” nếu không được định hướng đúng theo công việc mà bản thân yêu thích thì con cái không thể phát triển. Thế nhưng, cha mẹ lại không thể áp đặt con thích gì mà cần giúp con tìm ra cái thích lành mạnh đó. Dũng cảm đối diện với áp lực từ sự kì vọng để đi theo đam mê cá nhân cũng chính là một tình huống đương đầu với nghịch cảnh.
Sái Chí Trung đã tìm ra đam mê của mình và ông rất may mắn khi có người cha quan niệm để con cái tự do theo đuổi mong muốn nghiêm túc. Dù vậy, Sái Chí Trung vẫn phải cố gắng không mệt mỏi để có thể thành công. Nỗ lực là từ khóa quan trọng của mọi tâm thế sẵn sàng chiến đấu với nghịch cảnh.
Năm 1985, Sái Chí Trung vinh dự được chọn vào danh sách “Mười thanh niên kiệt xuất” Đài Loan với tư cách tác giả truyện tranh. Trên sân khấu, ông đã nói thế này: “Tôi phải đặc biệt cảm ơn cha tôi, cảm ơn ông không ép tôi tiếp tục đi học, cảm ơn ông không bắt tôi đi học thêm, không bảo tôi học máy tính, càng không áp đặt tôi thay ông thực hiện nguyện vọng mà cả đời ông không hoàn thành được. Vì thế tôi mới có cơ hội vẽ truyện tranh, cha, con cảm ơn cha!”
Tại sao nghịch cảnh lại miễn phí?
Trở lại vấn đề ban đầu: nghịch cảnh – món quà miễn phí. Tại sao chúng được coi như miễn phí? Bởi chúng là thứ rất có giá trị trên đường đời mà chúng ta không cần phải trả tiền để học được.
Khi chúng ta muốn học một kiến thức hay kĩ năng nào đó trong cuộc sống, chúng ta cần phải trải qua trường lớp, qua các khóa học với những khoản học phí nhất định. Thế nhưng khi khó khăn ập đến, nó bắt đầu dạy cho chúng ta thêm về cuộc sống, rèn luyện tinh thần, nghị lực để dẫn dắt ta đến thành công, sau khi nó không thể làm ta lung lay được nữa thì nó lẳng lặng rời đi và không đòi hỏi gì cả. Vậy nên không ít người thành đạt từng phải thốt lên câu nói “Cảm ơn những khó khăn ngày ấy đã cho tôi thành công như hôm nay”.
Sẽ có suy nghĩ rằng nghịch cảnh lấy đi của con người những thứ khác vô cùng quý giá, thế nhưng đó chỉ đơn giản là một phần của bài học. Tự bản thân nghịch cảnh không tích lũy gì cho nó mà chỉ đơn giản là sắp xếp lại mọi thứ theo trật tự hợp lí hơn. Đương nhiên nếu con người từ chối đương đầu thì nghịch cảnh sẽ không buông tha cho họ. Càng trốn chạy họ lại càng dễ bị tìm thấy và càng chồng chất thêm những vướng mắc mới trong cuộc sống của chính mình. Đối mặt rồi chiến thắng nghịch cảnh thật ra không phức tạp nếu biết chấp nhận những thứ không thể thay đổi, cố gắng thay đổi những thứ có thể thay đổi và biết phân biệt điều gì thay đổi được, điều gì không. Càng rèn luyện để vươn lên thì con người ta càng mạnh mẽ và có thể làm chỗ dựa cho nhiều người.
Nghịch cảnh là ông thầy mà ai cũng phải trải qua để rồi có những lúc oán hận bởi sự nghiêm khắc, kính sợ bởi uy quyền nhưng sau cùng là lòng tôn trọng bởi các bài giảng tận tâm. Ở những con người từng trải qua nghịch cảnh luôn tồn tại tâm thế bình an bởi họ đã cố gắng hết sức hiểu thông điệp mà mỗi nghịch cảnh mang lại. Quá trình ấy mở rộng thêm nhận thức và tăng thêm sự hiểu biết về vạn vật.
Bởi vậy mà ở những quán trà đá vỉa hè, không ít những con người dày dạn, từng trải, tuy học hành không trọn vẹn vẫn có quyền tự hào về tấm “bằng đời” mà “trường đời” đã cung cấp cho họ. “Bằng đời”, “Trường đời” có là gì khác ngoài nhọc nhằn, gian khổ, khờ dại, mất mát, nước mắt, mồ hôi, xương máu mà họ đã đi qua? Tuy nhiên nếu chỉ coi mất mát để dày dạn hơn là đã học được mọi thứ về nghịch cảnh thì chưa thực sự đầy đủ. Người còn phải hiểu chính xác thông điệp mà nghịch cảnh đó mang lại là gì để từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân cũng như chia sẻ cho những người khác để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ví dụ nếu một chàng trai gặp khó khăn khi đi phỏng vấn xin việc bởi anh ta có kiểu tóc khác thường thì không phải liên tục cố gắng đi phỏng vấn ở những nơi khác cho đến khi được nhận là chiến thắng nghịch cảnh. Ở đây, anh ta chỉ cần sửa lại kiểu tóc cho gọn gàng hơn để dễ dàng được chấp nhận. Mỗi người sẽ có cách trưởng thành khác nhau, nếu muốn giúp ai đó phát triển thì không phải là tạo ra nghịch cảnh cho họ, thay vào đó hãy giúp họ tìm ra lý do để vượt qua nghịch cảnh. Sẽ không có vấn đề nào là quá lớn nếu như chúng ta biết đối mặt và tìm lời giải từ chính mình.
Lời kết
Nếu bạn phát huy tư tưởng của mình với tâm thế tích cực, đồng thời tin rằng thành công là quyền của bản thân, lòng tin của bạn sẽ giúp bạn đạt được mọi mục tiêu rõ ràng của mình
Cuộc sống là một trường học kì lạ mà nghịch cảnh là môn học bắt buộc. Không có nghịch cảnh thì không có vinh quang, không có động lực và thậm chí cũng sẽ không có nhân loại tiến bộ. Dù bạn hay tôi thì đều phải trải qua những thử thách để trưởng thành hơn. Thỉnh thoảng nhớ lại, chúng ta sẽ nhận ra những phút êm đềm mang đến những kỷ niệm đẹp còn những phút gian nan mang đến những hồi ức khó quên. Một cuộc sống đầy đủ hương vị thì mới được coi là cuộc sống viên mãn.
Sách Nói không với nghịch cảnh mang đến cho bạn đọc những giờ phút thư giãn ý nghĩa với những mẩu chuyện ngắn chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau- Tất cả đều dành cho bạn đọc từ từ khám phá.
Review chi tiết bởi Nguyễn Phú Hoàng Nam