[Review Sách] Góc nhìn Alan – Những bài chưa xuất bản
Cuốn sách gồm những bài viết của Tiến sĩ Alan Phan những năm 2012 – 2013 do gia đình và nhóm BCA (Bạn Của Alan) tuyển chọn. Sau khi đọc đến những trang cuối cùng của cuốn sách, tôi nhớ lại câu “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” trong bài Bình Ngô Đại Cáo tôi được học thời còn cắp sách tới trường. Tôi tin rằng thời nào cũng có những người Việt tài giỏi, yêu nước và sẵn lòng cống hiến để đất nước phát triển. Tài nguyên của chúng ta không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà là những con người cần cù, tài trí, nhân hậu và hóm hỉnh trong mọi hoàn cảnh.
Dù chưa được gặp mặt trực tiếp tác giả Alan Phan, nhưng với tư tưởng, tầm nhìn ông trao gửi, tôi nghĩ ông là một người Việt đáng để chúng ta tự hào, học hỏi. Cuốn sách “Góc nhìn Alan – Những bài chưa xuất bản” gồm 7 phần:
Phần 1: Thế giới mới
Phần 2: Kinh tế Việt
Phần 3: Xã hội Việt
Phần 4: Alan Phan và cuộc đời doanh nhân
Phần 5: Con người và tư duy
Phần 6: Con người Việt
Phần 7: Nghĩ ngoài cái hộp
Theo cảm nhận cá nhân của tôi, 7 phần này có thể chia ra ba nhóm chủ đề là kinh nghiệm trên thương trường, những trăn trở về đất nước và chiêm nghiệm về cuộc đời.
Ở phần kinh nghiệm trên thương trường, tác giả Alan Phan nói về thất bại nhiều hơn thành công. Bởi ông tin rằng thất bại có giá trị hơn thành công rất nhiều. Những thất bại của ông không hề bé nhỏ, nhưng ông chia sẻ thất bại chẳng phải để khẳng định mình phi thường: đó là lời khẳng định rằng để vươn tới thành công, sự đánh đổi mồ hôi, xương máu và nước mắt là điều bình thường
Tác giả Alan Phan đã thực thà kể lại diễn trình “lên voi, xuống chó” của nghiệp kinh doanh và rút ra những bài học đắt giá. Trong cơn hiểm nghèo, vận may của doanh nhân đến từ chính ý chí quật cường với câu hỏi “cần làm gì tiếp theo?” thay vì ngồi ôm đầu tuyệt vọng trong khoảnh khắc tăm tối của suy sụp, mất mát. Từ cuộc đời bôn ba, lăn lộn trên các thị trường lớn, tác giả Alan Phan đúc kết lại “Không có nghiệp dư hay làm chơi ăn thiệt trong sân chơi nghiêm túc của nghề kinh doanh”, bởi “Nợ nào rồi cũng đến lúc đáo hạn”.
Trong số những trăn trở về đất nước, ông rất quan tâm đến giáo dục và thế hệ trẻ. Ông ái ngại cho tình trạng nợ nần của một bộ phận sinh viên, khích lệ các sinh viên khác đi nhiều hơn, chủ động học hỏi hơn và tích cực “nghĩ ngoài cái hộp”. Ông cũng chia sẻ 5 thói quen làm việc hiệu quả của bản thân là: Viết ra điều phải làm, Suy nghĩ, nói và làm chậm chạp (chậm mà chắc, không trì trệ), Đã làm thì đừng sợ, Giữ lời hứa, Giữ niềm tin. Tôi tin ông là một con người yêu nước. Bởi yêu nước nên ông thực lòng muốn đất nước phát triển một cách bền vững, mới thẳng thắn nói lên những mặt còn hạn chế của thời cuộc. Đó là tinh thần phản biện của một con người thành đạt, có tầm nhìn- chúng ta không nên hiểu lầm rằng đó là lời than thở, chỉ trích mang màu sắc bi quan hay yếm thế.
Những trăn trở của ông còn nhiều, nếu đọc sách thì bạn sẽ thấy rõ hơn. Có lẽ, một phần vì những trăn trở ấy trĩu nặng lên trái tim, nên dù có óc khôi hài, trái tim ông vẫn cần được chăm sóc đặc biệt.
Cuối cùng là loạt bài chiêm nghiệm của ông về cuộc đời, không chỉ cuộc đời của riêng bản thân mà còn có cả hình bóng của những cuộc đời sóng đôi hoặc lướt ngang qua. Tác giả Alan Phan tổng kết có 6 yếu tố quan trọng trong cuộc sống hạnh phúc là:
- Sức khỏe
- Trí tuệ
- Tâm linh
- Tinh thần
- Xã hội
- Tài chính
Là doanh nhân gần như dành cả đời để kiếm tiền và tiêu tiền, ông hiểu sâu sắc giá trị của đồng tiền. Ông biết hưởng thụ khoái lạc của người đàn ông có tiền, từ khi còn trẻ cho tới lúc về già, nhưng ông không đánh mất bản thân. Ông vô tư thừa nhận những cuộc vui tốn kém, đầy ngẫu hứng đã làm nên con người ông. Cả đời Alan Phan sống “dám chơi dám chịu”- thành thật và minh bạch.
Ông quan niệm “Cái đòi hỏi của bao tử và hormone rất cần thiết (một người đói dài sẽ bỏ quên mọi thứ khác); nhưng muốn cuộc đời thăng hoa đúng nghĩa, chúng ta cần trí tuệ”.
* Tiến sĩ Alan Phan (07/08/1945 – 19/10/2015): Một chuyên gia kinh tế với 70 năm bôn ba khắp thế giới, 49 năm kinh doanh (trong đó 43 năm tại Mỹ và Trung Quốc) và một quê hương: Việt Nam. Ông là người Việt đầu tiên đưa công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ (1997) với thị giá cao điểm đạt 700 triệu đô la (1999).
Thay cho lời kết
Tôi cảm thấy rất may mắn khi được đọc, được biết đến những tên tuổi trong thời đại mình đang sống như: Giáo sư John Vu, Giáo sư Phan Văn Trường, Tiến sĩ Alan Phan. Với tôi, đó là những bậc thầy “người thực, việc thực” mà chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều quý báu: từ việc vun bồi trí tuệ, ý chí kiên cường, tinh thần hướng thiện cho tới khao khát làm giàu chính đáng.
Tôi mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ Việt Nam biết đến những tấm gương này để có thêm lòng tự hào, động lực phấn đấu vươn lên. Dù vóc dáng của chúng ta có thể bé nhỏ, nhưng tầm vóc của chúng ta không hề nhỏ bé nếu chúng ta biết học hỏi, chăm chỉ và sống trung thực.