Phim hoạt hình,  Review Phim

[Review Phim] Only Yesterday

Đối với tôi, đặc trưng của những thước phim thuộc Ghibli Studio luôn là: Không giới hạn độ tuổi và lượt xem.

Tốc độ phim chậm như chạm đến nỗi sợ thời gian vụt mất sâu trong mỗi con người. Only Yesterday là tác phẩm đi sâu vào đề tài ấy. Thế nhưng vẫn rất “Ghibli” ở chỗ là không bàn về những thứ cao xa bề ngoài trước khi tìm hiểu được ngọn nguồn thế giới nội tâm.

Only Yesterday (おもひ ぽろぽろ Omohide Poro Poro, lit. “ký ức đổ về” ) là một phim hoạt hình công chiếu năm 1991 bộ phim truyền hình phim đạo diễn bởi Isao Takahata, dựa trên manga cùng tên của Okamoto Hotaru và Tone Yuko. Toshio Suzuki sản xuất bộ phim và Studio Ghibli thực hiện. Nó đã được phát hành vào ngày 20 tháng 7 năm 1991.

 Bài hát chủ đề kết thúc ( , その 種子 Ai wa Hana Kimi wa sono Tane, thắp sáng.” Tình yêu là một bông hoa, bạn là hạt giống của nó “) là một bản dịch tiếng Nhật bài hát của Amanda McBroom, ” The Rose. “

“Chỉ còn là hôm qua” là một trong số các bộ phim hoạt hình tiến bộ ở chỗ nó khám phá một thể loại được cho là bên ngoài lĩnh vực của các đối tượng hoạt hình. Trong trường hợp này thực tế giống như drama cho người lớn, đặc biệt là khán giả nữ. Dù vậy, bộ phim là một sự thành công bất ngờ, thu hút một lượng lớn khán giả trưởng thành cà nam và nữ.

(Theo Wikipedia)

Taeko là một cô gái trưởng thành ở Tokyo sầm uất và không kém phần chật chội. Do đó, cô tìm về với vùng nông thôn để tận hưởng không khí khoáng đạt, tự do trong kì nghỉ phép. Chuyến đi ấy không dừng lại ở việc dịch chuyển về thân thể mà còn âm thầm khởi động lại những ký ức từ ngày học lớp năm của Taeko.

Quãng thời gian mà trải nghiệm của Taeko nằm trọn vẹn ở việc được đi chơi, thưởng thức trái dứa, các vấn đề tuổi dậy thì, rung động đầu đời, kết bạn và chia tay bè bạn, việc học tập không như ý muốn, mong muốn lên sân khấu cũng vội vã lướt qua.

Mọi sự tình cờ có vẻ ngẫu nhiên thực ra không hề ngẫu nhiên theo cách chúng ta thường nghĩ. Không phải đột ngột Taeko hoài niệm, mà bởi cô vô thức muốn điền lại những đoạn ký ức mà bản thân đã bỏ sót. Do đó, những khoảnh khắc cô nhớ thực ra đã được chọn lọc rất cẩn thận, tuy nhiên lo ngại tâm trí sẽ nhanh chóng phớt lờ chúng, hoặc cố gắng lý giải cho xong chuyện, nên trái tim của cô đã chọn cách gián tiếp  giúp cô đối mặt với bản thân mình bằng cách tìm về với quá khứ.

Ngày còn nhỏ, là ngày ta thành thật nhất với bản thân.

Taeko trưởng thành sẽ không làm việc ấy bởi cô quen với việc chấp nhận, sống mờ nhạt trong sự chấp nhận và chấp nhận luôn tình trạng đó của bản thân như người mộng du: ngủ trong đôi mắt mở và thức cùng đôi mắt nhắm.

Có thể nhận ra cô có một tuổi thơ bình thường trong bầu không khí của một gia đình trung lưu mang nặng âm hưởng kiểm soát của người cha gia trưởng- người ít nói nhất vì có thể khiến các thành viên thực hiện ý muốn mà không cần nói nhiều. Người mẹ, người bà và hai chị gái của Taeko sống như vậy, nên dĩ nhiên Taeko cũng phải sống như vậy- dù cô bé Taeko không hiểu tại sao. Đến khi bị mất đi cơ hội được làm việc mình yêu thích là diễn kịch, thì cảm xúc trong cô cũng bắt đầu nén lại.

Cách giáo dục đó không tồi tệ, vì nó không biến chị em Taeko trở thành người xấu. Nhưng nó có tốt đẹp hay không, thì cuộc sống của cô nhân viên Taeko là câu trả lời rõ nhất: luôn muốn rời khỏi nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Cô không ghét gia đình, nhưng cùng với họ, cô không được là chính mình và được sống như những gì cô mong muốn.

Cuộc gặp gỡ với Toshio là bước ngoặt với Taeko, song lại là một ngày bình thường với Toshio (thậm chí anh còn lơ đễnh ngủ quên khi đón cô ở nhà ga). Điều Taeko khao khát có thể lại chính là sự bình thường đó, nên cô dễ dàng trải lòng cùng Toshio.

Đoạn kết của phim có lẽ dành tặng bạn đọc từ phán đoán, nhưng thực sự theo tôi, phần hay nhất của tất cả các bộ phim nằm ở quá trình đi đến cái kết ấy- với phim của Ghibli có lẽ lại càng chuẩn xác hơn.

Only Yesterday không khai thác xứ sở cổ tích mà khai thác miền thơ ấu trong mỗi chúng ta: những con người đi trên mặt đất, bên dưới bầu trời. Dù tồn tại ranh giới của đạt được hoặc chưa đạt được ước mơ, song tuổi thơ vẫn luôn tươi đẹp với niềm tin trong sáng rằng mọi sự trên đời này đều là có thể.

Thay cho lời kết

Bộ phim rất “mượt”, duy có một chi tiết mà tôi băn khoăn, đó là việc liệu Taeko có đến với Toshio bằng tình yêu hay không? Và ngược lại, Toshio có yêu Taeko hay không?

Bởi qua đoạn dẫn dắt của người trong gia đình, tôi thấy họ đánh giá Taeko có đủ các tiêu chí tiềm năng để trở thành một cô con dâu tốt, đó là sự đề cao song cũng là sự định giá Taeko trong vai trò một nhân công bổ sung, không dấu giếm. Đối với Toshio, anh cần người con gái hiểu mình hay cần người con gái sẵn lòng ở lại làng quê để anh đến với Tokyo cho thỏa lòng?

Để tiếp diễn, cuộc sống này luôn là lựa chọn, cân nhắc và trao đổi. Dường như chỉ có ký ức thuộc dạng “Only Yesterday” là khiến con người ta cảm thấy được hạnh phúc trọn vẹn.

“Nếu sợ cảnh chia ly, trái tim của chúng ta sẽ không bao giờ được khiêu vũ”

Cuối cùng thì cả hai cũng có câu trả lời. Đoàn tàu quay lại, chiếc xe tiến lên. Quá khứ, hiện tại, tương lại hòa thành một điểm: Trái tim của Taeko.

*Nguồn ảnh trong bài viết: Pinterest.com

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *