Phim do người đóng,  Review Phim

[Review Phim] Ngọa hổ tàng long

Với tôi, bộ phim “Ngọa hổ tàng long” tái hiện lại tính chất hư hư – thực thực của nhân gian. Trong đó không có tốt xấu, đúng sai mà con người chỉ hành động theo ân – oán, tình – nghĩa.

Lý Mộ Bạch và Du Tú Liên

Lý Mộ Bạch là đệ nhất cao thủ phái Võ Đang với thanh kiếm Lục Mệnh bất khả chiến bại. Có lẽ vì đạt đến cảnh giới tối hậu của kiếm thuật nên anh không còn muốn dụng kiếm và mang theo tâm kiếm nữa. Lý Mộ Bạch muốn quy ẩn tĩnh tâm nhưng bởi chữ “sân” (mang mối hận chưa trả thù được cho sư phụ) và chữ “si” (còn lưu luyến tình cảm với Du Tú Liên) nên rơi vào cảnh dùng dằng chưa thể đắc đạo.

Tôi cảm thấy Lý Mộ Bạch chưa bao giờ thực sự lo lắng khi nghe tin thanh kiếm Lục Mệnh thất lạc. Hình như với anh, kiếm là vật vào sinh ra tử cùng mình, chỉ biết đến việc sống chết, nhưng chưa thể giúp mình vượt thoát khỏi phiền não. Bởi có kiếm quý trong tay mà chưa đâm xuyên kẻ thù cũng như chưa thể chém đứt mối tình trong lòng thì thanh kiếm chỉ là gánh nặng anh muốn trao đi. Có lẽ khi giao lại thanh bảo kiếm Lục Mệnh, anh từng có ý nghĩ muốn buông hết hận thù, si mê để giải thoát. Nhưng sự đời lại không dễ dàng như vậy.

Bóng dáng của Lý Mộ Bạch toát lên sự cô độc. Có lẽ đây là hình ảnh chân thực nhất của một bậc cao thủ võ lâm: khi trở nên vô địch thì người ta dễ mang tiếng vô tình và thấy cuộc đời vô nghĩa. Nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ tinh thần hiệp khách của anh khi sẵn sàng hy sinh bản thân để cứu Ngọc Kiều Long và dũng cảm bộc lộ tình cảm của mình với Du Tú Liên trước khi trút hơi thở cuối cùng.  Khoảnh khắc ấy Lý Mộ Bạch đã được giải phóng khỏi gánh nặng đệ nhất cao thủ, có thể buông kiếm để về cõi vĩnh hằng.

Chứng kiến sự ra đi của Lý Mộ Bạch khiến Du Tú Liên đau lòng. Bà là một nữ hào kiệt, sắc sảo, sống có tình nghĩa. Nhưng đường tình duyên của bà lại thật hẩm hiu: không thể nối lại duyên với người đính ước đã khuất và cũng không thể kết duyên với Lý Mộ Bạch đang còn sống chỉ bởi hai người là huynh đệ kết nghĩa.

Người phụ nữ bôn tẩu trên chốn giang hồ thì dường như không còn được mang niềm hạnh phúc làm vợ, làm mẹ một cách trọn vẹn. Ở Du Tú Liên có nét quật cường nhưng cũng có sự cam chịu, có sự quyết đoán nhưng cũng có sự mông lung. Bà như một mặt hồ êm ả nhưng trong lòng thì đầy những cơn sóng xao động.

Sự quật cường ấy đã cuốn hút Ngọc Kiều Long, khi cô ước mơ được làm một nữ hiệp giống Du Tú Liên.

Ngọc Kiều Long và La Tiểu Hổ

Không giống với cặp đôi Lý Mộ Bạch và Du Tú Liên dùng ý chí để lấn át cảm xúc, Ngọc Kiều Long và La Tiểu Hổ là cặp đôi trẻ tuổi sống hoàn toàn với cảm xúc của mình. Tôi nghĩ bức tranh tương phản về hai thế hệ, hai cách sống này là điểm đặc sắc của “Ngọa hổ tàng long”.

Võ lâm không đơn thuần là anh hùng, hiệp nữ hay gian hùng, ma nữ với hắc – bạch phân định rạch ròi chỉ biết vung đao kiếm lên như những cỗ máy chém giết. Họ là những con người có đời sống tinh thần và khao khát được sống hoặc chết cho điều bản thân tin tưởng. Phim là giả nhưng cách các nhân vật này suy nghĩ, hành động có thể giúp chúng ta suy ngẫm thêm về đời thực.

Ngọc Kiều Long và La Tiểu Hổ theo đuổi hạnh phúc của bản thân. Họ biết rõ mình muốn gì, quyết liệt hành động để đạt được điều mình muốn và sẵn sàng phá bỏ hoàn toàn những định kiến, khuôn mẫu truyền thống. Sự tự do cùng tuổi trẻ của họ mang đến sức sống cho bối cảnh ảm đạm của những trật tự được thiết lập bởi hệ điều hành mang tư tưởng phong kiến. Nhưng thời đại của họ vẫn chưa tới.

Sau khi phá bỏ mọi thứ, Ngọc Kiều Long không thể đạt được tâm nguyện sở hữu Lục Mệnh Kiếm bôn ba giang hồ. La Tiểu Hổ cũng không đạt được mơ ước quay về sa mạc cùng Ngọc Kiều Long. Đôi trẻ đã có những phút hạnh phúc và phóng khoáng. Nhưng họ vẫn chưa chấp nhận được điều mà Lý Mộ Bạch và Du Tú Liên chấp nhận, dù đau đớn: thời – thế.

Thời thế của sự tự do vẫn chưa tới. Nên nếu chọn cuộc sống tự do, thậm chí phải đánh đổi rất nhiều để có được tự do ấy, cho đến lúc có được tự do rồi thì cặp đôi trẻ tuổi này lại rơi vào bế tắc. Để rồi người phụ nữ thực tế như Ngọc Kiều Long cuối cùng lại nương tựa vào truyền thuyết rồi gieo mình xuống vách núi trong khi người tình La Tiểu Hổ ở lại cô độc.

Lục Mệnh Kiếm

Cục diện “Ngọa hổ tàng long” không như “long hổ tranh hùng”- sự khác biệt ấy có lẽ nằm trong thanh Lục Mệnh Kiếm. Tôi nghĩ thanh kiếm này là biểu tượng cho địa vị và quyền lực trong chốn giang hồ. Theo lẽ thường thì binh khí không phải thứ đáng sợ, người dùng binh khí mới đáng sợ nhưng trong tình huống này thì Lục Mệnh Kiếm là thứ đáng sợ. Sự sắc bén, cứng cáp, lạnh lẽo khiến nó trở thành công cụ chém giết hoàn hảo.

Sức hấp dẫn của Lục Mệnh đã đánh thức “ngọa hổ tàng long” và tạo nên cục diện “long hổ tranh hùng”. Sự tranh đoạt, phân định cao thấp và sát khí là thuộc tính của thanh bảo kiếm này. Lý Mộ Bạch đã nhận ra điều đó nên muốn từ bỏ thanh kiếm, cũng là muốn góp phần bớt đi sóng gió. Nhưng với những nhân tài trẻ tuổi như Ngọc Kiều Long thì bảo kiếm là thứ có chết cũng phải nắm lấy.

Chốn giang hồ vốn vậy, chỉ là thanh kiếm này khơi dậy và giúp họ bộc lộ bản chất ấy. Có những điều mà người từng trải muốn buông còn kẻ mới đến thì lại muốn ôm giữ. Người muốn nắm bắt thì chỉ quan tâm đến dục vọng của bản thân, thay vì tự vấn kỹ lưỡng xem bản thân mình có xứng đáng/đủ sức ôm giữ ngoại vật hay không?

Bi kịch của Bích Nhãn Hồ Ly cũng nằm ở điểm này. Bà ta trăm phương ngàn kế, đánh đổi tuổi thanh xuân, ra tay giết hại sư phụ của Lý Mộ Bạch để cướp đoạt bí kíp. Trả giá đắt để có bí kíp trong tay, nhưng Bích Nhãn Hồ Ly không thể lĩnh hội trọn vẹn do tư chất có giới hạn. Muốn điều mình không nên có, có rồi nhưng không biết sử dụng là một sự nhầm lẫn đáng buồn và cũng đáng tiếc vì tôi thấy hiện tượng này vẫn phổ biến, không chỉ trên phim ảnh.

Chế tạo nên một thanh kiếm tốt là tốt hay không tốt?

Bồi dưỡng một người có dã tâm trở thành nhân tài là nên hay không nên?

Liệu gác kiếm rồi có dễ dàng rửa tay?

Có lẽ tôi xin mượn câu “tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” của Lão Tử để kết thúc bài viết này. Tôi nghĩ “Ngọa hổ tàng long” của đạo diễn Lý An và tập thể diễn viên xứng đáng với giải Oscar. Vì đây không chỉ là một bộ phim đơn thuần mang tính giải trí hay tâng bốc thái quá những pha hành động võ hiệp viễn tưởng, mà chứa đựng cảm nghiệm về kiếp người bị ràng buộc bởi ái tình, danh lợi. Nhưng nếu không bị ràng buộc bởi những thứ đó, thì người liệu có còn là người?

  • Hình ảnh minh họa từ phim “Ngọa hổ tàng long” (Crouching Tiger, Hidden Dragon)

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *