[Chia sẻ] 12 cuốn sách ấn tượng năm 2024
Năm 2024 là một năm tôi cảm thấy khá hài lòng với việc đọc của bản thân. Trước hết là tôi vẫn duy trì được thói quen đọc sách. Tiếp theo đó là tôi vẫn tìm ra hoặc được người thân, bạn bè giới thiệu những cuốn sách hay đáng để đọc.
Tôi nghĩ rằng trong thời buổi sách vở, thông tin ngày càng nhiều như hiện nay thì chia sẻ số lượng sách mình đọc được không hẳn là ý hay. Nên cuối năm, tôi chỉ tổng kết lại những tác phẩm khiến mình cảm thấy ấn tượng, mà không phải là tất cả mọi cuốn sách tôi đã đọc. Biết đâu đó, danh sách mang tính tham khảo này sẽ khiến cho bạn đọc cảm thấy hứng thú với việc đọc sách trong năm mới.
Cuốn sách “Giáo dục không trừng phạt” của tác giả Thomas Gordon không dừng lại ở việc “bắt bệnh” mà còn “kê đơn” cho sự nhầm lẫn giữa kiểm soát và giáo dục khi nuôi dạy con trẻ. Tôi nghĩ đây là một trong số các cuốn sách mà cha mẹ và các nhà giáo dục không nên bỏ qua.
Mục đích của “Giáo dục không trừng phạt” là “Khuyến khích trẻ tự giác kỷ luật”. Để uốn nắn, trẻ em cần bị kỷ luật và người lớn thường hay dựa vào lý do đó để trừng phạt với ham muốn đưa trẻ vào khuôn khổ mà họ nghĩ là tốt. Khuôn khổ này đôi lúc cũng có vấn đề, vì nó phóng chiếu ý thức chủ quan của người đã tạo ra nó (và thường là người khởi xướng, đúc nên “khuôn vàng thước ngọc” này sống ở thời quá khứ) nên không thể tính đến đặc điểm tâm sinh lý của đứa trẻ cũng như nhận thức về cuộc sống hiện tại. Trừng phạt có thể mang lại hiệu quả ngay lập tức (hoặc cảm giác làm chủ tình hình ngay lập tức) nhưng nó thường không lâu dài. Khen thưởng cũng vậy.
Cuốn sách “Đông Y Chi Lộ” của tác giả Dư Hạo (Nhân Hòa Y Đạo biên dịch) chia sẻ cùng bạn đọc quá trình trưởng thành của một bác sĩ Đông Y truyền thống. Đây là quá trình cảm ngộ về y đạo và nhân đạo với những thăng trầm, thử thách nhưng vẫn giữ lý tưởng của một lương y.
Tôi cảm nhận “Đông Y Chi Lộ” là một cuốn tự truyện với những tâm tư của một thầy thuốc Đông y muốn chữa bệnh cứu người, lan tỏa giá trị tích cực của Đông y. Tác phẩm được biên dịch bởi các bác sĩ Đông y nên có văn phong lôi cuốn, dễ hiểu với người Việt nhưng vẫn thâu nạp được những ý tứ đặc trưng nhất về y học của Đông y mà tác giả muốn chuyển tải.
Nếu bạn đọc từng say mê tác phẩm “Người thầy thuốc” của tác giả Noah Gordon thì không nên bỏ lỡ hành trình của người thầy thuốc phương Đông trong cuốn sách “Đông Y Chi Lộ”.
“Dẫn luận về hạnh phúc” của Daniel M. Haybron trong bộ “Dẫn luận về con người” (gồm 04 cuốn: “Dẫn luận về hạnh phúc”, “Dẫn luận về tình yêu”, “Dẫn luận về trí nhớ”, “Dẫn luận về tính dục”). Nằm trong chuỗi tác phẩm dẫn luận của Đại học Oxford, tôi nhận thấy cuốn sách mang đến hiểu biết căn bản về một chủ đề thú vị có sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, tính tự chủ và sự tự do: Hạnh phúc.
Tôi tin không ít người đang thiếu điều mà họ cứ nghĩ rằng mình đã thừa. Trong khi đó, không món lợi về vật chất nào có thể bù đắp nổi những trống rỗng về mặt tinh thần sâu bên trong. Đặc biệt là khi cảm xúc ấy bị vùi lấp bởi năm tháng, thói quen tiêu dùng và những mối quan hệ hời hợt.
Sau bài review cuốn “Thoát khỏi tâm trí và bước vào cuộc sống” của tác giả Steven C. Hayes và Spencer Smith (dịch giả Nguyễn Ngọc Ưu), tôi tiếp tục trở lại với bài review cuốn sách “Bẫy hạnh phúc – Ngừng vật lộn và bắt đầu sống” từ tác giả Russ Harris (dịch giả Nguyễn Khánh Chi, Nguyễn Phương Anh).
Trong tác phẩm này, tác giả Russ Harris đã trình bày những định kiến chủ quan khiến chúng ta bị hạnh phúc “bẫy” và lối thoát khi thực hành liệu pháp ACT (Acceptance and Commitment Therapy – Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết). Tôi cảm nhận “Bẫy hạnh phúc – Ngừng vật lộn và bắt đầu sống” giống với một cuốn cẩm nang thực hành ACT. Nếu dành thời gian đọc sách và chăm chỉ thực hành thì bạn có thể tiến bộ. Nhưng nên nhớ hãy khiêm tốn và bình tĩnh bắt đầu từ những bước nhỏ. Đừng coi thường những điều nhỏ bé hay sốt ruột muốn tăng tốc đến đích ngay lập tức. Vì thời gian là một yếu tố thinh lặng nhưng không dễ dãi: chúng ta chìm trong quá khứ hoặc vươn tới tương lai mà chân chưa chạm đất ở hiện tại, thì việc bị ngạt hoặc ngã đau là điều tất yếu.
Theo lời của người dịch (Đỗ Tư Nghĩa) bản Việt ngữ, cuốn sách “Nghệ thuật sống” là một bản thuyết minh tư tưởng của Epictetus. Sách gồm 2 phần chính là “Cẩm nang thư” và những lời dạy khác về cách sống được trích và thuyết minh từ tác phẩm “Discourses” của Epictetus.
Tôi nghĩ nếu từng đọc cuốn “Suy tưởng” của Hoàng đế Đế quốc La Mã Marcus Aurelius Antoninus, bạn đọc sẽ cảm thấy hứng thú với “Nghệ thuật sống”. Bởi Epictetus là thầy của Hoàng đế Marcus Aurelius Antoninus. Điều này khiến tôi cảm thấy sách của ông đáng đọc hơn- không phải bởi vì ông có học trò là Hoàng đế, mà bởi ông đã sống đúng như những gì ông dạy thì mới có thể chuyển hóa học trò sâu sắc đến như vậy.
Nghệ thuật sống là gì nếu không phải sự chân thành, bạn nhỉ?
6. Mười Hai Học Thuyết Về Bản Tính Con Người
“Mười hai học thuyết về bản tính con người- Khổng giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Platon, Aristoteles, Kitô giáo, Hồi giáo, Kant, Marx, Freud, Sartre, Darwin” (nhóm tác giả Leslie Stevenson, David L. Haberman, Peter Matthews Wright; dịch giả Lưu Hồng Khanh).
Đây là một cuốn sách mà với tôi, dung lượng kiến thức khá đồ sộ. Tôi chưa dám chắc mình hiểu nội dung của tác phẩm này nên chưa có bài review riêng. Nhóm tác giả đã thực hiện một công trình giá trị nhưng cũng rất khó khăn là phân tích các học thuyết có liên quan đến bản tính con người- mà ở chiều ngược lại, bản tính con người cũng góp phần tạo ra và nuôi dưỡng những học thuyết ấy. Giống như bản tính nhân loại, các học thuyết có ưu điểm và cũng cần được “bắt bệnh, kê đơn”.
Tôi nghĩ đây là cuốn sách mình cần đọc lại và nghiền ngẫm thêm từng chương.
Đây là cuốn sách tôi mượn từ một bạn học sinh của mình. Tôi đã không kỳ vọng nhiều lắm cho đến khi nghe em chia sẻ cuốn sách này đáng đọc- đặc biệt là có liên quan đến mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất hiện nay trong giáo dục không phải nằm ở nhà trường, sách giáo khoa, mạng xã hội hay game. Là một cá nhân vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tôi nhận thấy nan đề thực sự của giáo dục trong thời đại này nằm ngay trong từng gia đình: sự kết nối giữa cha mẹ và con cái (nhưng tôi sẽ bàn đến cảm nghĩ này trong phần cuối bài để tập trung vào nội dung cuốn sách trước).
“Lịch sử loài ong” của tác giả Maja Lunde (dịch giả Lê Minh Đức) là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng, khai thác cả thời quá khứ, hiện tại và tương lai của con người trước thảm họa Sự Sụp Đổ do khan hiếm lương thực. Nguyên nhân của kết cục bi đát này là môi trường bị biến đổi quá nhanh chóng, ô nhiễm, khai thác bừa bãi khiến chuỗi thức ăn bị đứt gãy, các loài sinh vật dần biến mất, trong đó có loài ong.
Tác phẩm mượn hình ảnh xã hội loài ong để gợi ra cho chúng ta bài học không mới nhưng thường bị lãng quên: tính liên kết trong xã hội con người, sự tương hỗ, tương giao giữa các thành viên trong gia đình. Trong xã hội hiện đại, con người online (trực tuyến) nhiều hơn nhưng kết nối giữa họ lại giảm đi. Điều cha mẹ, con cái chia sẻ cùng nhau hầu hết là thông tin mà không phải là cảm xúc, ý nghĩ chân thực.
Sự Sụp Đổ xảy ra ngay lập tức là điều đáng sợ. Nhưng tôi nghĩ có thứ đáng sợ hơn đó là Sự Xói Mòn niềm tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Sự Xói Mòn ấy cũng đang đe dọa những tài nguyên thiên nhiên thiết yếu như: không khí, đất đai, nguồn nước. Nhưng chúng ta chưa thấy được hệ quả rõ rệt từ nó nên mọi lời nhắc nhở dường như vẫn chỉ là “gió thoảng qua tai”. Nhân loại thường quá bận rộn để biết điều gì là quan trọng.
“Con đường chẳng mấy ai đi” của Tiến sĩ M. Scott Peck (ông tốt nghiệp Đại học Harvard và Đại học Case Western Reserve) được dịch bởi dịch giả Đặng Lâm Cam Thảo. Trên bìa cuốn sách có dòng chữ “Tâm lý học kinh điển về tình yêu, phẩm giá và hành trình trưởng thành tinh thần”. Dĩ nhiên đây không phải là điều tác giả tự nhận, mà là sự thực đã được thời gian kiểm chứng.
Sách dày 343 trang, chia làm 4 phần gồm: Kỷ luật, tình yêu, trưởng thành và tôn giáo, phước lành. Với rất ít những thuật ngữ cầu kỳ hay tự quan trọng hóa nghề nghiệp của bản thân, tác giả đã giúp bạn đọc nhìn nhận rối loạn tâm lý theo hướng rất cụ thể và giàu tình người. Điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là sự khiêm nhường của tác giả. Có lẽ ông là ví dụ sống cho nhận định “thông minh là bẩm sinh nhưng sự tử tế là lựa chọn”.
Cuộc sống này không hề dễ dàng. Có người chọn lăn xả vào nó mà không thèm tìm hiểu, có người thì sợ nó đến mức trốn chạy cả đời. Kết cục ra sao có lẽ bạn và tôi sẽ có câu trả lời của riêng mình.
3. Kinh Dịch Đạo Của Người Quân Tử
Cuốn “Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê là một món quà tôi được tặng. Ngẫm lại thì nhân duyên giữa sách và tôi khá thú vị: ban đầu tôi được một người bạn giới thiệu, sau đó được một người bạn khác tặng. Mặc dù đã có cuốn “Kinh Dịch trọn bộ” của tác giả Ngô Tất Tố (cuốn này đến với tôi trong một nhân duyên khác: nhà sách nhầm đơn nên bù lại) tôi nhận thấy “Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử” là tài liệu căn bản, nên tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu về Kinh Dịch để vận dụng ở phương diện ứng nhân xử thế.
Thường được ngợi ca là “quần kinh chi thủ” (kinh của các kinh) nhưng tôi nghĩ bản chất Kinh Dịch không gắn với chiếc vương miện hay ngôi vị nào. Bởi nếu cố định với danh từ, định nghĩa thì Dịch không còn là Dịch do mất đi tính biến hóa.
Những cảm tưởng của tôi về Kinh Dịch và cuốn sách quý này có lẽ chưa đủ chuyên sâu. Đôi chỗ có thể rơi vào trạng thái “tự biên, tự diễn” nhưng vì lòng mến phục và kính trọng của tôi dành cho tác giả Nguyễn Hiến Lê và niềm yêu thích Dịch, tôi vẫn mạnh dạn viết bài điểm sách. Trước là để giúp bản thân tôi hiểu hơn cuốn sách, sau là phần nào đó giúp cho cuốn sách được thêm nhiều bạn đọc trẻ biết đến. Bạn đọc nào hứng thú thì nên tìm đọc trực tiếp tác phẩm để thâu nạp giá trị tác giả muốn truyền đạt.
Tôi nhận thấy cuốn sách “7 Định luật giảng dạy” từ tác giả John Milton Gregory (Saralen Trần – Huệ Anh dịch) tuy ngắn gọn nhưng thiết thực và hữu ích với những ai hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Giảng dạy vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật- nghe qua có lẽ bạn và tôi đã ấn tượng những mỹ từ này hàm ý có quá nhiều điều cần tìm hiểu, suy ngẫm, trải nghiệm. Nhưng nếu chìm ngập trong mớ lý thuyết (và tin hoàn toàn vào lý thuyết) thì bạn sẽ bị chán nản và trở nên sợ hãi việc thực hành để rồi quyết định cố thủ trong mớ lý thuyết do người khác tạo ra hoặc bản thân tự tạo nên. Trong khi đó, chân lý thì thường giản đơn, dù phải trả giá bằng chút phiêu lưu mạo hiểm.
Ngoài giáo viên, các nhà đào tạo thì tôi tin đọc cuốn sách này cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi lạc cho các bậc cha mẹ trên hành trình giáo dục con. Nuôi con là bản năng, nhưng nếu dạy con theo bản năng thì rất có thể nhiều bậc cha mẹ sẽ tiếc nuối. Vì cảm giác nuôi người lâu nhưng thực tế đứa trẻ lại lớn rất nhanh: cô bé, cậu bé ngây thơ, đáng yêu được chiều chuộng rất có thể trở nên hỗn láo, ích kỷ từ lúc nào cha mẹ không biết. “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên” là lời dặn dò sáng suốt của Bác Hồ mà tôi xin được nhắc lại.
Trong giáo dục, tôi tin giữa lý thuyết và thực hành cần có sự tương hỗ lẫn nhau. Với một số người thì lý thuyết sẽ mở đường cho thực hành và một vài người còn lại thì thực hành rồi mới tìm hiểu lý thuyết. Không có gì là sai trái ở đây nếu hành động đó mang lại kết quả chung cuộc tốt đẹp: cha mẹ – con cái, giáo viên – học sinh hài lòng, hạnh phúc.
“Học sâu” của tác giả Kieran Egan được mô tả là “một cải tiến đơn giản có thể biến đổi việc dạy và học ở trường”.
Từ trải nghiệm thực tế tôi nhận thấy Học sâu rất đáng để thực nghiệm. Nhưng thực nghiệm này cần tiến hành có chọn lọc. Bởi lẽ không phải học sinh nào cũng có tư chất nghiên cứu sâu để trở thành chuyên gia hay nhà nghiên cứu. Nhận xét này không mang tính chất phân biệt, mà hiển nhiên xã hội cần sự phân công lao động. Chúng ta cần các học giả nhưng cũng cần những hành giả- cả 2 đều đáng quý trọng nếu làm tốt bổn phận của mình.
Có lẽ thay vì tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi hay chạy đua và các trường chuyên lớp chọn, tổ chức những lớp Học sâu sẽ là giải pháp đơn giản nhưng thu về kết quả vừa thiết thực, vừa hữu ích hơn. Ít nhất sau khoảng 5 đến 10 năm, chúng ta sẽ có những học sinh am hiểu sâu sắc về một lĩnh vực nào đó thay vì những ngôi sao sáng rồi vụt tắt sau những giải thưởng, huy chương. Bắt đầu từ sở thích của các em là một ý tưởng không tệ, bởi đề tài các em theo đuổi cần là đề tài chạm đến cảm xúc của các em.
Có rất nhiều người học, nhưng không phải người học nào cũng hiểu và không phải người nào hiểu cũng biết cách vận dụng. Do đó, học tập cũng là công phu được tích lũy dần theo năm tháng, không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn bằng cách ngốn ngấu hàng núi sách hay lăng xăng học từ hết thứ chính khóa nọ sang ngoại khóa kia.
Bản chất của Học sâu gợi cho tôi nhớ đến tác phẩm “Tôi tự học”.
Tôi cảm nhận cuốn sách “Hoa trên mộ Algernon” của tác giả Daniel Keyes mang theo nỗi buồn về kiếp người đau đáu nỗi niềm bản thân bị giới hạn, khao khát vượt qua giới hạn của tạo hóa để rồi nhận ra đôi khi sự hiểu biết đúng đắn có giá trị lớn lao hơn hành động sai lầm. Liệu có phải vì vậy mà càng lớn tuổi, càng khôn ngoan thì con người ta lại càng bao dung và dễ chấp nhận hơn là cố gắng sửa đổi mọi thứ?
Với tôi, có lẽ đặc trưng chẳng thể bàn đến tận cùng việc tốt xấu, đúng sai mà phải nghiền ngẫm là giá trị lớn nhất của những cuốn tiểu thuyết chân thực. Ai sinh ra là người thì cũng cố sống cuộc đời mình theo cách tốt nhất. Nhưng thế nào là tốt nhất thì đôi khi họ cần dành cả cuộc đời để tìm hiểu hoặc để chấp nhận chẳng có gì là tốt nhất.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian lướt qua danh mục nho nhỏ này của tôi. Chúc bạn duy trì và lan tỏa niềm vui đọc sách.
P/s: Nếu có bạn học sinh nào đọc được bài viết này thì tôi mong rằng các em vững tin vào việc vẫn có những thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có nỗ lực tự giác học tập, dù bận rộn công việc. Với niềm tin ấy, mong rằng các em không giận cha mẹ, thầy cô khi thường xuyên nhắc nhở các em việc học, việc đọc sách- đặc biệt là đừng đánh mất niềm tin vào việc học hỏi của chính mình. Bởi nếu các em hỏi mà không có ai trả lời, trách mắng các em phiền phức thì tôi tin vẫn luôn có những cuốn sách sẵn sàng vừa là thầy, vừa là bạn của các em.