Review Sách,  Sách Kỹ năng

[Review Sách – Đọc ngược] Đắc Nhân Tâm: Thành Công Là Được Thừa Nhận?

Dựa vào thời gian xuất bản, số lần tái bản cùng phản hồi tích cực từ độc giả trên khắp thế giới, có thể nhận thấy giá trị trong tác phẩm Đắc nhân tâm của tác giả Dale Carnegie. Cho đến nay, đây vẫn được coi là cuốn cẩm nang hữu hiệu với công dụng như lời tựa “Để thành công trong cuộc sống” chỉ dẫn những nguyên tắc vàng trong ứng nhân xử thế.

Đối với Đắc nhân tâm, tôi không thể tự nhận mình đã có đủ trải nghiệm sống để nhận xét, chỉ là có chút tự tin dẫn ra những cảm nhận chủ quan của mình về tác phẩm. Đã là cảm nhận chủ quan thì không khỏi còn thiếu sót, song tôi mong muốn bạn đọc yêu thích tác phẩm cũng như cố tác giả khoan dung với những điều được chia sẻ. Dông dài vậy vì lẽ mặc dù chưa tự mình viết một cuốn sách nào nhưng tôi hiểu rõ tâm huyết và những ước vọng tốt đẹp của các tác giả khi viết sách. Những nỗ lực ấy chính là mong muốn chia sẻ tri thức để cuộc sống  ngày càng hoàn thiện theo hướng nhân văn, nhân bản hơn.

Trong tác phẩm Đắc nhân tâm (bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê), Dale Carnegie đã nêu ra những nguyên tắc dành thiện cảm trong giao tiếp, và những nguyên tắc ấy phục vụ cho mục đích dành thiện cảm của đối phương. Bằng kinh nghiệm và năng khiếu quan sát của bản thân, tác giả đã đưa ra rất nhiều ví dụ sinh động, thuyết phục để chứng minh cho quan điểm của mình. Ví dụ, khi nói đến

Một bí quyết quan trọng trong phép xử thế, ông dẫn:

Nhưng kẻ nào đã học được Cái bí quyết làm thỏa mãn lòng đói khát lời khen đó, nó tuy kín đáo mà dày vò người ta, đâm rễ trong lòng người ta, thì kẻ ấy “nắm được Mọi người trong tay mình” và được mọi người tôn trọng sùng bái, nghe Lời, “khi chết đi, kẻ đào huyệt chôn người đó cũng còn phải khóc nữa”.

Những điều này đúng, nhưng gợi ra trong lòng tôi nhiều thắc mắc. Vậy, thành công bằng việc sử dụng ngôn từ một cách khéo léo, áp dụng những nguyên tắc tâm lý và tranh thủ gây thiện cảm là cách đơn giản nhất cũng như tiêu tốn ít thời gian và công sức nhất. Nếu áp dụng nhuần nhuyễn những nguyên tắc ấy, tương lai không bao giờ lo cực khổ. Ngày nay, điều ấy càng trở nên hấp dẫn hơn khi việc chào bán các loại hàng hóa trở nên phổ biến và kinh tế là một trong số tiêu chí hàng đầu để bình xét một con người. Chẳng thế mà, tôi có thể thấy Đắc nhân tâm là sự lựa chọn của nhiều người và được giới thiệu như một bí kíp nhập môn trước khi vào đời. Bằng chỉ dẫn cụ thể, tác giả đã giúp cho rất nhiều độc giả tự tin hơn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, có thêm cơ hội để phát triển bản thân cũng như tạo ra thêm nhiều mối quan hệ tích cực, được nhiều người tôn trọng, quý mến. Ngược lại cũng với những chỉ dẫn rất cụ thể ấy, tác giả cũng mang đến cơ hội cho những đối tượng luôn dựa vào cơ hội để từ đó tư lợi cá nhân trong trò chơi câu chữ. Không thể phủ nhận việc giỏi khoa giao tiếp đem đến nhiều lợi ích nhưng nếu cố gắng để giỏi giao tiếp mà không quan tâm đến đạo đức và năng lực chuyên môn thì thực sự là vấn đề lớn hơn.

Hạn chế của tác giả là đã trình bày quá đầy đủ cũng như quá thành thật công thức để kết bạn, gây dựng thiện cảm với một con người và đôi khi, còn khiến cho người đọc lầm tưởng là chỉ cần tập trung vào việc uốn lưỡi là có thể đạt mọi thành công.

Đặt trong bối cảnh thái độ quan trọng hơn năng lực thì điều đó không phải sai, nhưng đặt trong tình cảnh mọi người đều mong muốn làm đẹp lòng nhau thì sẽ không có sự phát triển vì tất cả đều tránh mâu thuẫn. Sự êm đềm ấy như rượu ngọt khiến con người ta mất đi tỉnh táo mà quên mất mình đang ngồi uống rượu cùng với ai. Khi những kĩ xảo đẹp mắt thay thế những kĩ năng thực sự thì không có thứ gì mất đi song cũng không có thứ gì sinh ra. Thay vì học cách sống độc lập và phấn đấu bằng chính năng lực của mình thì con người ta sẽ học cách sống phụ thuộc và vay mượn thành tích của người khác để đi lên.

Tôi nhớ đến tác phẩm “Lộc Đỉnh Ký” của cố nhà văn Kim Dung, nơi Vi Tiểu Bảo tung hoành ngang dọc thu nạp tài vật, quyền lực và mỹ nữ với ba tấc lưỡi. Tôi cũng lại nhớ đến Xuân tóc đỏ – “giáo sư quần vợt” trong tiểu thuyết “Số đỏ” của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, nghênh ngang đi lên từ mánh khóe và quần vợt. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến “Sói già” Jordan Belfort trong “Sói già phố Wall” lời nói là chi phiếu vô hạn tình, tiền. Ba nhân vật nắm nhân tâm trong lòng bàn tay và khéo léo xoay chuyển mọi cục diện sao cho có lợi nhất. Nhưng sẽ ra sao nếu tất cả đều mang trong đầu tư duy ấy?

Giá trị của sách sẽ tăng lên rất nhiều nếu như tác giả bàn đến bí quyết giao tiếp ở góc độ tế nhị hơn, đề cao sự chân thành hơn (mặc dù vậy nó sẽ đòi hỏi người đọc tốn nhiều công sức suy ngẫm hơn, giống như thử thách mà những bậc thầy dành cho học trò xứng đáng trước khi ngộ đạo). Tuy nhiên, do tồn tại khác biệt về văn hóa, về tư duy, tác giả đã trình bày tất cả để phục vụ người đọc. Sự dễ dàng ấy khuyến khích những tâm hồn vội vã đạt mục đích sa đà vào gọt dũa lời ăn tiếng nói khéo léo, êm tai, ngại sống thẳng thắn, luôn tìm kiếm đường vòng. Chinh phục nhân tâm để có đời sống sung sướng, điều ấy khiến tôi thấy thật mơ hồ về ý nghĩa của con người khi sinh ra trong cõi đời này. Khi những cuốn sách về giao tiếp dường như được quan tâm hơn các thể loại sách khác như gợi ý về con đường tắt để đi đến hạnh phúc, tôi đành hiểu khi hình thức quan trọng hơn nội dung thì câu từ quan trọng hơn thành ý. Song cũng không khỏi băn khoăn khi việc thể hiện con người thật lại trở thành một nhược điểm.

Nếu tin rằng mọi nguyên tắc sách vở đưa ra đều đúng và đều đem áp dụng được thì có một sự lầm tưởng ở đây. Trên thực tế, thời gian cuốn sách ra đời, bối cảnh cuốn sách ra đời cũng nhưng nền tảng học vấn của các thành viên trong xã hội có điều kiện tiếp cận cuốn sách sẽ mang lại những hiệu quả khác nhau. Chúng ta nên chú ý trao dồi nền tảng tri thức thực sự, kỹ năng chuyên môn vững vàng và quan trọng hơn là tấm lòng chân thành để tạo dựng những mối quan hệ có chất lượng thay vì chỉ có số lượng. Hơn nữa, thành công thật sự đi kèm với đôi khi cần phải biết vượt lên sự thừa nhận và sống với những điều mình tin tưởng thay vì làm hài lòng những người không thật sự quan trọng.

Bàn về những mặt hạn chế của một cuốn sách kinh điển là công việc đòi hỏi người ta phải có cả “tâm” lẫn “tầm” thành ra khi viết tôi cũng không tránh khỏi đắn đo, suy nghĩ. Dù vậy, tôi tin nếu có thêm góc nhìn mới thì tầm nhìn của chúng ta sẽ rộng mở hơn.

Tác giả: Nguyễn Phú Hoàng Nam

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *