[Review Sách] Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi
Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi viết bài cảm nhận cuốn sách này chính là phúc lành. Bởi đây là cuốn sách tôi dự định sẽ đọc, nhưng chưa kịp mua thì đã được một người chị tốt bụng tặng lại. Thông thường, tôi có ý nghĩ những cuốn sách được tặng, không mất tiền mua thì không hẳn chỉ dành riêng cho bản thân. Nếu đó là cuốn sách giá trị, đáng đọc thì trách nhiệm của tôi là chia sẻ cảm nghĩ về cuốn sách ấy để nhiều bạn đọc biết đến hơn.
“Con đường chẳng mấy ai đi” của Tiến sĩ M. Scott Peck (ông tốt nghiệp Đại học Harvard và Đại học Case Western Reserve) được dịch bởi dịch giả Đặng Lâm Cam Thảo. Trên bìa cuốn sách có dòng chữ “Tâm lý học kinh điển về tình yêu, phẩm giá và hành trình trưởng thành tinh thần”. Dĩ nhiên đây không phải là điều tác giả tự nhận, mà là sự thực đã được thời gian kiểm chứng.
Sách dày 343 trang, chia làm 4 phần gồm: Kỷ luật, tình yêu, trưởng thành và tôn giáo, phước lành. Với rất ít những thuật ngữ cầu kỳ hay tự quan trọng hóa nghề nghiệp của bản thân, tác giả đã giúp bạn đọc nhìn nhận rối loạn tâm lý theo hướng rất cụ thể và giàu tình người. Điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là sự khiêm nhường của tác giả. Có lẽ ông là ví dụ sống cho nhận định “thông minh là bẩm sinh nhưng sự tử tế là lựa chọn”.
Cuộc đời này rất khó sống.
Đây là một sự thật rõ ràng, thậm chí là một trong những chân lý lớn lao nhất. Lớn lao là vì khi ta hiểu ra thì cũng là lúc ta vượt qua. Một khi ta biết cuộc sống luôn khó khăn và chấp nhận điều đó thì cảm giác khó khăn sẽ không khiến ta bận lòng nữa.
Nhưng đa số mọi người không thể chấp nhận sự thật rằng cuộc sống vốn luôn khó khăn.
(trang 16)
Khi né tránh đối mặt với bản thân, với hiện thực, con người bắt đầu tìm đến những thứ có thể giúp họ xoa dịu, phớt lờ nỗi thống khổ như: các chất kích thích, chuỗi hoan lạc hay thậm chí là tâm lý trị liệu. Hành vi ấy giống như một đứa trẻ bất lực với thế giới nhưng lại không thể ngừng khao khát mình là trung tâm của thế giới. Nên nó tìm đường về với sự che chở trong vòng tay cha mẹ. Nhưng sẽ ra sao nếu nó không còn hình hài của đứa trẻ và cha mẹ cũng không còn ở đó để chờ đợi nó? Nó sẽ đau khổ.
Kịch bản này xảy đến với hầu hết chúng ta, ở những giai đoạn nhất định trong đời. Đôi khi nó được biết đến với tên gọi là hội chứng “Peter Pan” (sợ trở thành người lớn với những trách nhiệm kèm theo) hoặc được gọi chung là những tổn thương thời thơ ấu. Để bước tới tiến trình thành nhân một cách lành mạnh, thì con người khó có thể trốn tránh định mệnh của mình. Có lẽ vì vậy mà không ít dân tộc thích tạo ra các màn thử thách đối với thế hệ thanh thiếu niên. Nơi hoang dã, khốc liệt thì cộng đồng yêu cầu săn sư tử, săn cá mập. Còn nơi văn minh thì cộng đồng tổ chức các buổi lễ trưởng thành. Những nghi lễ tượng trưng ấy có tác dụng nhắc nhở người tham gia rằng: họ cần phải bắt đầu hành trình độc lập ở tầm mức cao hơn thay vì trì hoãn, lệ thuộc vào gia đình.
Mặc dù vậy, vẫn có những cá nhân cố tình trốn tránh giai đoạn tất yếu ấy. Từ chối khó khăn, từ chối trách nhiệm, họ đổ bừa cuộc đời mình lên những người thân xung quanh và sống trong sự oán trách, hậm hực, mòn mỏi.
Vậy làm thế nào để phòng ngừa/thoát khỏi tình trạng ấy? Tác giả có gợi ý như sau:
Thứ nhất, là biết trì hoãn ham muốn;
Thứ hai, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm;
Thứ ba, tôn trọng sự thật;
Và thứ tư, biết cân nhắc trước sau.
(trang 19)
Tôi nghĩ nếu làm được 4 điều này, hầu hết chúng ta sẽ không còn gặp phải những rối loạn về tinh thần, cảm xúc nữa. Bởi nếu tạm gấp trang sách lại và nhìn vào dòng đời, bạn sẽ thấy hầu hết bi kịch của con người đến từ việc họ thiếu đi những phẩm chất nói trên.
Do không thể trì hoãn ham muốn, con người ta rơi vào cảnh nợ nần, đánh mất danh dự, gia đình, tương lai. Thiếu ý thức trách nhiệm khiến chúng ta luôn mong muốn sống dựa vào người thân, đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu của chúng ta như một đứa trẻ và hăng hái tước đoạt công sức của người khác bao nhiêu thì cũng mau chóng đổ lỗi cho họ khi sự việc chưa như ý bấy nhiêu. Khước từ sự thật thì mang đến những lời nói dối chồng chất, đến mức độ con người không còn tin được vào điều gì và chẳng thể nhớ ra mình là ai nữa. Cuối cùng, chỉ vì ít chịu suy ngẫm mà rất nhiều hành vi, lời nói vô lý được tung ra chỉ để hủy hoại thay vì mang tính chất xây dựng.
Cuộc sống này không hề dễ dàng. Có người chọn lăn xả vào nó mà không thèm tìm hiểu, có người thì sợ nó đến mức trốn chạy cả đời. Kết cục ra sao có lẽ bạn và tôi sẽ có câu trả lời của riêng mình.
Tâm lý trị liệu có thể làm gì và không thể làm gì?
Còn nhiều điều để nói về những phần khác của cuốn sách, nhưng tôi xin dành lại để bạn đọc tự khám phá. Có lẽ “Con đường chẳng mấy ai đi” không nên rơi vào số phận “Cuốn sách chẳng mấy ai đọc”, dù có thể hiện thực đang là vậy, không chỉ với cuốn sách này mà còn với nhiều cuốn sách có nội dung tương tự: chân thành, thẳng thắn, không bày ra các “tips” hay các mẹo giúp chúng ta đạt được điều mình muốn một cách dễ dàng, nhanh chóng, cũng như không tô vẽ nên những giấc mơ hoang đường đầy mật ngọt về nhân sinh- nếu để ý, bạn sẽ thấy trẻ em thường thích và tin vào những thứ công thức kiểu “lối tắt” như vậy, nhưng người trưởng thành, từng trải thì hiếm khi.
Đơn giản vì cuộc sống là một trường học. Nếu quá êm đềm, nuông chiều con người thì đó là một ngôi trường tồi, không có ích cho sự tiến hóa của nhân loại. Cũng vì vậy, nỗ lực vươn lên, rèn luyện và dám đương đầu với khó khăn sẽ tạo nên những học sinh xuất sắc. Tâm lý trị liệu có thể là một trong số các công cụ để giúp cá nhân tự hoàn thiện mình, trong trường hợp họ tự giác lựa chọn sử dụng chúng.
Với những trường hợp chưa sẵn sàng, tâm lý trị liệu chỉ là những cuộc trò chuyện vô bổ, tốn kém, gây cảm giác lãng phí thời gian. Tôi mong bạn đọc chú ý đến thông điệp này của tác phẩm. Vì tôi nhận thấy hầu hết các nhà tham vấn, trị liệu có vốn sống và kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú đều đưa ra kết luận tương tự. Chúng ta không thể nâng đỡ một người khi chính bản thân họ chưa muốn tự đứng lên.
Liên hệ thực tế, trong quá khứ, tôi quan sát thấy có không ít gia đình, bạn trẻ né tránh đi tham vấn, trị liệu tâm lý. Thì những năm gần đây, nhiều bạn trẻ lại chủ động mong muốn được đi tham vấn, trị liệu tâm lý. Ở bề nổi, có thể đó là tín hiệu đáng mừng khi các bạn và gia đình biết quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân hơn.
Nhưng đi vào chiều sâu, liệu có phải hoạt động giáo dục tâm lý đang thiếu sót, khiến cho không ít người nghĩ rằng tham vấn, trị liệu tâm lý là công cụ vạn năng cho sự lười biếng, lạm dụng công nghệ, dành quá ít thời gian cho người thân vì mải mê theo đuổi sự nghiệp, thiếu hụt các kỹ năng mềm? (mà chỉ với kỷ luật và ý chí, cộng thêm khả năng lắng nghe lẫn nhau là họ hoàn toàn có thể tự tháo gỡ).
Với những người sẵn sàng tham gia hoạt động trị liệu, tác giả đã chỉ ra một con đường- đương nhiên là không hề dễ dàng, nhưng đó là con đường tất yếu để phát triển.
Dù khả năng lắng nghe có thể trở nên thành thạo thông qua rèn luyện, nhưng đó chưa bao giờ là việc dễ dàng.
(trang 137)
Những ai có thể trị liệu?
Trước hết, tác giả tin rằng đó là vô thức của bạn. Ông không nghĩ vô thức là thứ gì đó hoàn toàn mang xu hướng thấp hèn, bản năng mà con người phải đè nén theo trường phái phân tâm. Dù trong quá trình trị liệu, ông có đề cập đến các phương pháp như liên tưởng tự do, phân tích giấc mơ. Đủ bao dung để chấp nhận bóng tối không có nghĩa rằng vô thức chỉ hoàn toàn là bóng tối. Thậm chí, vô thức còn được coi như nơi chứa phúc lành của cuộc đời bạn- một Đấng linh thiêng bên trong. Quan niệm này mang màu sắc tôn giáo, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và đức tin của từng cá nhân nên tôi sẽ không bàn sâu thêm.
Thứ hai, đó là chính bản thân bạn. Nếu từng đọc các cuốn sách như “Thoát khỏi tâm trí và bước vào cuộc sống” hay “Bẫy hạnh phúc”. Bạn sẽ nhận thấy không ai ngăn cản bạn đến với hạnh phúc hoặc kẹp chặt bạn trong đau khổ, ngoại trừ chính bạn. Viết đến đây khiến tôi nhớ đến một khoảnh khắc đáng nhớ, khi tôi tò mò hỏi bạn học sinh của mình:
– Thầy thấy con rất giống “chill guy” (hài lòng, vui vẻ, không quá quan tâm tới mọi việc bên ngoài). Con làm thế nào vậy?
– Có ai cản con như vậy đâu thầy.
Câu trả lời này dường như mang màu sắc của ải “vô môn quan” trong nhà thiền. Theo tác giả, con người ôm giữ quá chắc những tấm bản đồ trong tâm trí. Dù rằng những tấm bản đồ này có thể sẽ không còn phù hợp theo thời gian, hoàn cảnh sống. Một tâm trí linh hoạt, sẵn sàng thích nghi và thay đổi khi cần thiết sẽ giúp bạn và tôi phát triển. Nhưng thực ra khá ít người làm được như vậy, thậm chí càng hiểu biết, chồng chất kiến thức thì con người ta lại càng khó đạt đến sự hiểu biết thực sự bằng tri thức.
Và sau cùng, đó là một nhà trị liệu bạn cảm thấy tin tưởng, có thể kết nối và chấp nhận con người của bạn vô điều kiện. Sự hiện diện, quan tâm chân thành của họ sẽ giống như bóng mát dưới một tán cây an bình, mà bạn chỉ cần chú tâm vào thực tại để cảm nhận sự bình an, khao khát học hỏi để trưởng thành mà bạn từng lãng quên.
Học vị không thể nào chứng minh được tình yêu, lòng can đảm và sự thông tuệ. Chẳng hạn như các bác sĩ tâm thần “được hội đồng chứng nhận”- những nhà trị liệu có học vị cao nhất – đã trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu kỹ lưỡng đến mức người ta có thể khá chắc chắn rằng mình không rơi vào một tay lang băm. Thế nhưng, một bác sĩ tâm thần không nhất thiết sẽ làm công việc trị liệu tốt hơn, hay thậm chí tốt bằng một chuyên gia tâm lý, một nhân viên xã hội hay một mục sư.
(trang 340)
Thay cho lời kết
Con cái của các bạn không phải là con cái của các bạn.
Chúng là con trai, con gái của Cuộc đời.
Chúng đến thông qua bạn, không phải đến từ bạn.
Và dù ở cùng bạn nhưng chúng không thuộc về bạn.
Các bạn có thể cho chúng tình yêu nhưng không ép được ý nghĩ.
Vì chúng có những ý nghĩ của riêng mình.
Các bạn có thể cho chúng nơi chốn nương thân nhưng không thể cho chúng nơi nương náu tâm hồn.
Vì tâm hồn của chúng ở trong ngôi nhà của ngày mai, nơi các bạn chẳng thể nào ghé thăm ngay cả trong mộng tưởng.
Các bạn có thể gắng sức giống như chúng, nhưng đừng tìm cách khiến chúng giống như các bạn.
Vì cuộc đời không đi giật lùi, cũng không tù đọng mãi nơi ngày hôm qua.
Các bạn là những cánh cung mà từ đó những mũi tên sống động là con cái của bạn, được bắn ra.
Cung thủ ấy nhìn thấy hồng tâm phía con đường vô cùng tận, và bằng sức mạnh, Ngài giương cánh cung để mũi tên của Ngài vút đi thật xa.
Hãy hân hoan được uốn cong trong bàn tay của Ngài;
Vì khi yêu mũi tên bay đi, Ngài cũng yêu cả cánh cung vững chãi.
(trang 174, 175)
Bài thơ này được chú thích ở cuối trang là trích từ Ngôn sứ (The Prophet). Dù biết rằng bài cảm nhận của tôi đã sử dụng khá nhiều trích dẫn, tôi vẫn đưa bài thơ này vào. Như người ta thường nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, vấn đề của xã hội thường khởi nguồn từ gia đình. Chính những tổ ấm này nếu không ấm êm sẽ liên tục tạo ra những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm và thiếu lòng tự trọng, sự tự tin trên đường đời rất cần tính tự lập.