
[Review Phim] Perfect Days
“Perfect Days” đến từ đạo diễn Wim Wenders không có các tình tiết kịch tính, kể về cuộc đời của một người đàn ông tên Hirayama. Ông làm công việc dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng ở quận Shibuya, thành phố Tokyo.
Nếu đang tìm một sản phẩm điện ảnh với hiệu ứng đẹp mắt, kịch bản với nhiều tình tiết gay cấn hay bàn đến những thông điệp lớn lao về thành công, tình yêu, nghị lực sống thì có thể bạn nên bỏ qua bộ phim này. Bởi trong khoảng 60 phút đầu tiên của phim, bạn sẽ cảm thấy những điều mình đang xem trên màn ảnh đời thường đến mức vô vị.
Nhưng nếu đủ điềm tĩnh để ngẫm lại, biết đâu bạn và tôi sẽ thấy được sự vô vị ấy đôi khi chính là tinh túy của mọi mỹ vị. Như thứ nước trắng tinh khiết, không màu mè nhưng từ ngàn đời này vẫn giúp dịu đi cơn khát một cách hiệu quả nhất.
Đời thường vốn dĩ vô vị, nhưng do cách con người ta nhìn, con người ta sống mà mới thêm vào đó chút hương, chút vị. Chẳng thế mà nhân gian có người thấy đắng cay, có người thấy ngọt bùi, lại có người thấy nóng, trong khi người khác thì thấy lạnh. Và qua nửa kiếp người, có người ngày càng nhạt nhòa trong khi có người lại ngày càng đậm đà hơn.
Ông Hirayama không nói nhiều, nhưng thông qua bộ phim này ông đã nhắc lại cho tôi nhớ một số điều mà tôi thấy khá hữu ích. Nên tôi sẽ tự sự lại trong bài viết. Có thể đôi dòng tự sự này sẽ phần nào đó tiết lộ nội dung phim. Nhưng tôi hy vọng bạn sẽ trực tiếp xem phim để cảm nhận. Điều này giống như việc phân tích thơ không khiến thơ hay hơn, phân tích tranh không khiến tranh đẹp hơn mà chỉ có trực tiếp cảm nhận để tự mình cảm thụ cái hay, cái đẹp.
Một người lao động bình thường với thói quen dậy từ sáng sớm tưới cây. Khi ra cửa, ông hướng lên bầu trời mỉm cười đầy biết ơn. Sau đó, ông ta mua một lon cà phê từ máy bán hàng tự động rồi lái xe đi làm. Người đàn ông trung niên không quên bật những chiếc băng cát-xét ưa thích để tận hưởng giai điệu hoài niệm.
Công việc của ông là lau chùi, dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng. Ông cần mẫn lau chùi dù biết chỉ ít phút tới người dùng sẽ khiến khu vực này không còn sạch sẽ. Sáng hôm sau, trong ca làm việc của mình ông sẽ lại tiếp tục công việc. Đến khi nghỉ trưa, ông mang những chiếc bánh kẹp ra công viên. Ông ngồi đó thưởng thức bánh và thỉnh thoảng lấy từ trong túi ra chiếc máy ảnh cũ, mãn nguyện chụp cây cối lẫn nắng qua kẽ lá.
Chiều về, ông đến nhà tắm công cộng. Đôi khi ông ghé quán quen để ăn uống hoặc cửa hàng bán sách, phim máy ảnh. Sách, ảnh, băng cát-xét, cây cối là bạn tri kỷ của ông. Ông kiệm lời nhưng không phải vì thế ông là người kém hiểu biết. Ông có thể ít bạn bè, chưa có bạn đời nhưng ông không phải là người vô cảm.
Đó chính là Hirayama.
Tôi nghĩ bẩm sinh ông không chọn cuộc sống như vậy. Đạo diễn đã khéo léo giấu đi quá khứ và những dự định tương lai của ông để người xem chú tâm vào thực tại ông chọn. Như Hirayama nói với cô cháu gái: “Lần tới, là lần tới” “Bây giờ, là bây giờ”.
Đây cũng là điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng với bộ phim: sống trọn vẹn với thực tại. Cách sống tỉnh thức ấy có thể khiến bạn và tôi liên tưởng đến Phật giáo. Nhưng tôi nghĩ cách sống không liên quan nhiều đến tôn giáo. Vì tôn giáo dạy con người ta sống ra sao và trong khi mải mê đối chiếu đời mình với những giáo điều, chúng ta dễ bỏ lỡ cuộc sống. Những ước vọng là động lực để con người vươn lên, nhưng đôi khi cũng là trở ngại để họ bằng lòng với thực tại. Những đỉnh cao sáng chói với danh vọng, tiền tài khiến người ta dễ dàng chứng tỏ bản thân bấy nhiêu thì cũng khiến họ quên đi những con người bình dị, thân thương xung quanh mình bấy nhiêu. Xét về mặt này, Hirayama sáng suốt hơn nhiều người- dĩ nhiên tôi tin ông cũng phải trải qua nhiều bài học không dễ dàng để sau cùng chọn lựa cho mình đời sống dễ dàng đến thế.
Khi người em gái đến đón con, cô bày tỏ sự ái ngại khi biết anh mình đang làm một nhân viên dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng. Hirayama không tự ái mà chỉ bình thản thừa nhận. Ông cũng không trả đũa cô bằng cách người đời thường làm là xoáy vào nỗi đau của nhau theo kiểu: “Còn cô, cô có thể giàu có thật đấy. Nhưng nhìn lại cách cô làm mẹ mà xem? Tại sao con gái cô lại bỏ nhà ra đi?”. Người yêu những mầm cây xanh thì không thể ghét con người, ông hiểu họ nên lại càng thương họ hơn. Để không làm tổn thương họ, ông chỉ nói khi thực sự cần nói.
Đây là điểm thứ hai khiến tôi chú ý ở bộ phim này. Ban đầu, tôi có ý nghĩ ông Hirayama bị câm. Nhưng sau đó tôi phát hiện ra không phải như vậy. Ông chỉ là một người thích lắng nghe và quan sát- dấu hiệu của một người từng trải. Lời nói đúng là cây cầu nối kết người với người. Nhưng đôi khi cũng là những nhát dao cắt phăng đi liên hệ giữa họ.
Tôi yêu thích việc đọc sách, viết lách nên tôi rất trân trọng ngôn ngữ, cả vẻ đẹp lẫn sự hữu dụng. Nhưng tôi phải tự hỏi lại rằng: liệu đôi khi mình có nói quá nhiều và viết quá dài hay không? Nói và viết là cách biểu đạt cái tôi. Nên liệu cái tôi của bản thân có đang được nuông chiều? Rồi tôi lại nhớ đến nguyên tắc khi tư vấn/tham vấn tâm lý là không nên nói quá nhiều, vì người thực sự cần nói là thân chủ. Nếu nhà tư vấn/tham vấn nói chỉ để phô trương hiểu biết, thì họ sẽ khó thấu cảm và xây dựng được kết nối lành mạnh để chấp nhận thân chủ vô điều kiện. Vậy ra, ở bên một người có tài ăn nói khiến cho ta thấy vui. Nhưng ở bên một người có tài im lặng, ta cảm thấy bình an.
Có thể tôi vẫn sẽ nói và viết, nhưng tôi không quên hình ảnh kiệm lời của ông Hirayama để bản thân biết giữ yên lặng hơn.
Điều cuối cùng khiến tôi ấn tượng với bộ phim này là thông điệp về con người: dù chọn cách sống an phận nhất có thể, ông Hirayama vẫn phải đối mặt với những điều phiền toái từ đồng nghiệp, nỗi buồn khi thất vọng và sự phán xét từ những người xung quanh. Ông không né tránh mà đón nhận hết mọi cảm xúc này, buồn thì khóc, vui thì cười. Để rồi sớm mai, ông lại mở cửa, ngước lên bầu trời mỉm cười bắt đầu ngày mới.
Tôi nghĩ điều tưởng chừng bình thường, bé nhỏ ấy là điều bạn và tôi nên học theo. Đó là một chút lãng mạn, một chút ngây thơ, một chút can đảm…à có lẽ tôi lại sa vào sự lan man, trống rỗng của câu chữ rồi.
Đời thường không chau chuốt mà vẫn đẹp. Như một người bạn từng chia sẻ với tôi đôi dòng ngắn gọn nhưng chính xác hơn cả bài tôi viết:
“Nhân gian hữu vị thị thanh hoan”
Ý vị của nhân sinh chính là niềm vui đơn thuần, thanh đạm.
(Một câu trong bài Hoán Khê Sa của nhà thơ Tô Thức đời Tống)
* Hình ảnh trong bài được trích từ bộ phim “Perfect Days” của đạo diễn Wim Wenders.
