[Review Phim] Dr. Strange trong đa vũ trụ hỗn loạn (Dr. Strange In The Multiverse of Madness)
Tên bài review lần này hơi dài, mong các bạn thông cảm.
Phần phim này kể về sự kiện Dr. Strange chiến đấu chống lại tính cách tha hóa của Scarlet Witch. Nhìn chung, tôi thấy kết cấu của các bộ phim siêu anh hùng đều như vậy: Cái thiện – Cái ác. Cái ác bị tiêu diệt hoặc nhận ra sai lầm (hoặc cả hai). Cái thiện chiến thắng hoặc tìm thấy chính mình (hoặc cả hai nốt). Nhưng trong phần phim này, tôi có hứng thú review. Vì Dr. Strange là siêu anh hùng theo hệ tâm linh nên tôi có chút thiện cảm chăng?
Những điều tôi thích
Điều tôi thích nhất là bộ phim mang đến thông điệp về sự lựa chọn: sách Darkhold hay sách Vishanti. Bản chất con người không tự có tốt, xấu mà do lựa chọn của họ quyết định họ trở thành người tốt hay kẻ xấu.
Các vũ trụ khác biệt tưởng chừng phức tạp, nhưng tôi thấy điều khác nhau duy nhất thực ra nằm ở lựa chọn. Dr. Strange trong vũ trụ này chọn hi sinh bạn bè, Dr. Strange khác chọn cứu họ. Ở vụ trụ này anh chọn quyền lực, ở vũ trụ khác anh chọn nhân nghĩa.
ảnh: CGV
Đa vũ trụ đến từ các lựa chọn, do đó có thể áp dụng câu nói “Gieo suy nghĩ gặt hành vi, gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận” để tiếp cận, so sánh với thực tại. Tôi mong muốn chia sẻ thông điệp bộ phim theo hướng cụ thể, thực tế và ứng dụng được trong cuộc sống thường ngày. Bởi là một nhà giáo dục, tôi cảm thấy lo ngại khi ranh giới giữa hiện thực và thế giới ảo trong các bạn trẻ đang ngày càng mờ nhạt. Nếu xem xong Dr. Strange mà điều duy nhất người xem đọng lại là các kỹ xảo, mơ mộng về cuộc đời khác hay nuôi ý định tự khai mở để mọc ra con mắt thứ ba thì thật là vô bổ.
Điểm thứ hai khiến tôi ưa thích phim là sự đóng góp của tuyến nhân vật phụ có vai trò đáng kể trong chiến thắng cuối cùng của nhân vật chính. Thay vì Dr. Strange tỏa sáng từ đầu đến cuối, thì có những người đồng đội giúp đỡ, ủng hộ anh (tạo cơ hội cho anh được mắc sai lầm hoặc bị ngất mà không ảnh hưởng lớn đến đại cục). Điều này khiến chúng ta trân trọng giá trị của teamwork hơn. Đồng thời bài trừ lối ỷ lại, gồng gánh theo kiểu “từ teamwork thành tao-work” như mọi người thường hay vui miệng chia sẻ.
Điểm cuối cùng khiến tôi thấy thích là hành động sửa sai không chút do dự của Scarlet Witch. Cô là ví dụ điển hình cho nội tâm mong manh không thể kiểm soát được sức mạnh. Do đó, một con người mạnh mẽ thực sự trước tiên cần là con người mạnh từ sâu bên trong. Khát vọng có con của cô làm tôi nhớ đến mụ phù thủy trong bộ phim hoạt hình Coraline mà tôi từng review trước đây.
Nếu có năng lực, song không thể hiểu ra ý nghĩa, nguồn gốc của năng lực ấy, thì sớm muộn cũng gây họa cho bản thân và những người xung quanh. Đem soi chiếu vào đời thực, tôi nghĩ kỹ năng, trí tuệ, tiền tài, các mối quan hệ, nhan sắc cũng là một dạng năng lực. Người sở hữu chúng cần có đạo đức và nội tâm mạnh mẽ thì mới xứng đáng/có thể sở hữu chúng một cách an toàn, thiện ích.
Những điều tôi chưa thích
Tôi thấy các bộ phim của Marvel liên tục đổi mới để phục vụ thị hiếu của khán giả tốt hơn. Điển hình như trong lúc đang đợi xếp hàng để mua vé (tôi thấy rất nhiều bà mẹ đưa con đi xem phim nên rạp hơi đông, máy in vé lại có trục trặc nên tôi đành xem tạm trailer cho đỡ buồn) tôi thấy trailer phần phim mới của Thor: Love and Thunder đang tạo nên hình ảnh của một vị thần sống theo kiểu ngẫu hứng. Có lẽ, đó là xu hướng được ưa chuộng, hứa hẹn sẽ ăn khách trong thời đại không ít người khao khát sự phóng khoáng và hiểu tự do là thứ không cần phải đi kèm trách nhiệm.
ảnh: Vietnam Plus
Tôi cảm nhận “Dr. Strange trong đa vũ trụ hỗn loạn” lồng ghép các yếu tố có xu hướng kinh dị trên mức cần thiết, có vài pha giật mình hình như hơi thừa thãi (cảnh Scarlet Witch đuổi theo nhóm của Dr. Strange dưới đường hầm, tập tễnh như zombie hay cảnh Dr. Strange ở vũ trụ khác đội mồ sống dậy trong ánh chớp chói lòa). Bộ phim sẽ hay hơn nếu dành cho mọi lứa tuổi, thay vì thêm những cảnh này vào để rồi không chiếu cho trẻ em dưới 13 tuổi xem. Nhưng hiểu biết của tôi còn rất bé nhỏ, nên chẳng thể khẳng định sự kết hợp thập cẩm kiểu này là đặc sắc hay đặc sệt.
Vị giáo sư X trong X-Men bước sang khiến tôi hơi thất vọng (Dù lúc chiếc xe của ông lăn bánh vào sảnh, có nhạc nền nghe rất “ngầu”). Bởi ông xuất hiện chỉ để nói đôi lời thông thái, rồi sau đó hành động một cách chẳng hề thông thái (đúng như phong cách của ông) chút nào: chui vào trong suy nghĩ, nói với Wanda hãy thoát ra (mà không nói bằng cách nào?) đưa tay cố kéo cô ra khỏi một lỗ hổng nhỏ tẹo- trong khi cô đang bị giam chặt dưới các khối bê tông to lớn, rồi nghệt mặt ra ít giây trước khi bị Scarlet Witch sát hại.
Hội Illuminati trong phim còn một siêu anh hùng nào đó có năng lực hét ra sóng âm (tôi không muốn nhớ tên) ngồi trên ghế đầy kiêu ngạo, tỏ vẻ “nguy hiểm” nhưng bị đánh bại quá nhanh và chết tức tưởi đến mức vớ vẩn (?). Có lẽ đến các anh hùng cũng đang phát triển theo hướng chạy theo số lượng, giảm chất lượng chăng?
Tóm lại, nhờ cả điểm thích và những điểm chưa thích, tôi có những giờ phút giải trí có ý nghĩa với phần phim này.