[Review Phim] 500 ngày yêu (500 Days of Summer)
Tôi nghĩ nếu chưa yêu bao giờ thì người xem sẽ cảm thấy đây là một bộ phim bình thường. Thậm chí còn không đủ hài hước và cũng chẳng ra lãng mạn (có phần còn hơi lãng xẹt) nữa. Nhưng nếu đã từng yêu, hoặc sau đó biết yêu thì việc xem lại bộ phim này là lựa chọn không tệ.
“500 ngày yêu (500 Days of Summer)” giống với một cuốn lịch về mối quan hệ “trên tình bạn, dưới tình yêu” của chàng trai Tom Hansen và cô gái Summer Finn. Câu chuyện không diễn ra theo trình tự thời gian và tôi thấy sự vượt thoát khỏi yếu tố thời gian đã làm nên nét thú vị, chân thực cho bộ phim này. Khi thực sự có cảm xúc, con người sử dụng thời gian theo một cách khác (mà không để thời gian sử dụng họ như thông thường). Họ đã biết cách dùng cảm xúc để tạo ra thời gian dành cho người mình mong muốn được ở bên.
Lần đầu thấy Summer, Tom đã nảy sinh tình cảm với cô. Nhưng anh loanh quanh, lòng vòng để thổ lộ điều đó. Mãi sau đó họ mới tiến đến gần nhau hơn qua sự giúp đỡ của bè bạn và sự chủ động của Summer. Màn đối thoại khi hai người rời khỏi quán rượu để đưa anh bạn McKenzie ra xe taxi có lẽ là điểm khởi đầu- nhưng cũng tiên đoán kết thúc của mối quan hệ này. Chính Tom đã nói rằng anh thích Summer như một người bạn và điều này rốt cuộc cuối cùng đã thành sự thực. Cho đến lúc anh nhận ra anh cần cô như một người yêu thì cơ hội cũng đã trôi qua, vì trong thời điểm quyết định, Tom đã không đủ dứt khoát để bày tỏ tình cảm của mình.
Mỗi ngày cũ trong 500 ngày quay lại, tiến lên trong hồi ức của Tom giống với một cuốn lịch: có tờ sáng màu tượng trưng cho những ngày tươi đẹp và có tờ âm u tượng trưng cho những ngày họ cãi vã. Họ hạnh phúc bên nhau, đau khổ khi xa nhau nhưng người chủ động trong mối quan của họ dường như vẫn là Summer. Tom thích Summer, nhưng thích một người và yêu một người là hai điều khác nhau. Anh chưa kịp nhận ra thì cô đã nhận ra và anh chưa kịp quyết định thì cô đã quyết định.
Có lẽ trong tình yêu không chỉ hoàn toàn là cảm xúc. Mỗi cuộc tình là mỗi bài học và ai cũng phải học. Tôi nghĩ bài học Summer mang đến cho Tom là sự chủ động. Điều nhân văn song cũng rất bi hài trong chuyện tình cảm là người đến sau thường sẽ nhận được món quà từ người đi trước tặng/buộc phải để lại. Tom đã chủ động hơn khi nhận thấy mình quan tâm đến Autumn trong buổi phỏng vấn. Càng trưởng thành với chuyện tình cảm, con người ta sẽ càng bớt mong muốn tìm kiếm người tốt hơn mà chỉ tha thiết gắn bó với người phù hợp hơn.
Tâm trạng khi yêu (cũng như khi hết yêu) là điều khiến người ta nặng lòng trong đời thực. Nên trên màn ảnh, tình yêu là điều gì đó thật nhẹ nhõm. Tom và Summer đến với nhau để cho nhau kỷ niệm đẹp và rồi rời xa nhau, cho đến lúc gặp lại thì vẫn có thể là những người bạn cũ. Đoạn này khiến tôi liên tưởng đến hoạt động giáo dục trong tình yêu: đi và đến một cách văn minh, lịch sự.
Còn nhiều điều khó diễn tả thành lời, nên vào cuối tuần nào đó có thời gian, bạn hãy xem bộ phim này để cảm nhận. Tạm thời không lao vào những tranh chấp quyền lực, những trận chiến giải cứu thế giới hay những tiếng la hét kinh hoàng của thế giới điện ảnh, biết đâu bộ phim này có thể giúp bạn cảm nghiệm và hồi tưởng lại một bóng hình nào đó để rồi mỉm cười khi nhận ra bản thân đang ngâm nga giai điệu “tình chỉ đẹp khi tình dang dở”?
Nếu ai hỏi tình yêu “là gì?”, thì tôi đáp: “là thế”. Là thế nào thì chỉ có mỗi người tự tìm hiểu lấy và tự cảm lấy. Nhưng tình yêu đúng là một trong những trải nghiệm đáng nhớ của đời người. Khi con người được cùng lúc biết hạnh phúc vì được yêu và cũng biết đau đớn nhưng vẫn chấp nhận buông bỏ khi đã hết yêu hoặc nhận ra sự nhầm lẫn giữa thích và yêu.
Ngày 488, Tom và Summer ngồi bên nhau trên chiếc ghế quen thuộc. Họ nhận ra đối phương đã đúng nhiều hơn họ từng nghĩ. Những việc họ không còn bên nhau nữa có đúng hay không thì không ai biết. Chúng ta cần bản thân đúng vì rất sợ sai, nhưng nếu trót sai, thì người ta sẽ cố gắng tô vẽ để cái sai đó thành hơi hơi đúng và nếu chẳng may “lỡ đúng” trong tình yêu, thì họ sẽ ước giá như bản thân không chọn lựa như vậy.
Hình như với một người theo chủ nghĩa hoài nghi, thì tình yêu luôn là một câu hỏi thuộc về phương diện trải nghiệm cá nhân, bất tuân các quy luật. Và cũng thật may mắn khi quy luật không can thiệp được vào lĩnh vực này.
*Nguồn ảnh: Toplist.vn