[Chia sẻ] Chuyện Một mình
Trong cuộc sống, có những giai đoạn người ta cần một mình. Thời điểm này có nhiều tên gọi khác nhau như: cô đơn, cô độc, đơn độc, lẻ loi, độc hành.
Đây là giai đoạn tương đối quý giá của đời người. Bởi nó chỉ xảy đến sau một vài biến cố nhất định, khiến con người ta buộc phải dừng lại để tự đánh giá bản thân và kịp thời có những điều chỉnh cần thiết.
Khởi đầu cũng giống việc từ chú sâu hung hăng luôn thích ngọ nguậy, đột nhiên tự tạo ra chiếc kén riêng của mình để âm thầm chuyển hóa thành bươm bướm.
Ở mỗi cá nhân, quá trình diễn ra theo những cách khác nhau. Cũng có chiếc kén không bao giờ mở ra, cũng có thể chiếc kén sẽ mở ra một chú ruồi. Do đó, không phải lúc nào một mình cũng tốt và cho ra kết quả như mong đợi.
Vậy làm thế nào để sự một mình ấy có ý nghĩa?
Trước hết, cần bắt đầu tự nhìn nhận lại cuộc sống thông qua các thói quen hằng ngày. Chính các thói quen ấy tạo nên vấn đề mà con người gặp phải, song nếu không dừng lại, thì con người sẽ không bao giờ phát hiện ra.
Ví dụ như: thói quen sinh hoạt thất thường (vấn đề sức khỏe), thói quen nói dối (vấn đề uy tín), thói quen đổ lỗi cho người khác (vấn đề ý thức tự lập), thói quen trì hoãn (vấn đề phát triển bản thân) v.v…
Sau đó, cần tập trung tìm hiểu, khắc phục từng thói quen để dần dần chuyển hóa theo hướng tích cực. Trong giai đoạn này, chú tâm là cực kì quan trọng. Không ai có thể giúp ai. Bởi nguồn cảm hứng mãnh liệt nhất cũng chỉ cho bạn động lực để thay đổi, song không thể thay đổi bạn được. Nếu thực sự muốn thay đổi, đừng “đao to, búa lớn” mà hãy cần mẫn làm việc bạn cần làm.
Tiến tới chặng đường tiếp theo, chúng ta phải tiếp tục đào sâu hơn nữa vào nội tâm để thu thập các câu hỏi và tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. Nếu sống quá vội vàng, thì con người thường ít quan tâm đến các câu hỏi mà sẽ vô thức thực hiện mọi thứ và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của người khác.
Một mình- đồng nghĩa với việc bạn không bị thúc ép bởi kì vọng từ bên ngoài và dục vọng từ bên trong bản thân. Điều ấy sẽ giúp bạn bình tĩnh để nhìn nhận thấu đáo rất nhiều vấn đề. Đặc biệt, bạn hiểu rõ được bạn là ai, có ước mơ nào, bạn đang làm gì để đạt được ước mơ ấy?
Cuối cùng, thử thách còn lại nằm ở việc chúng ta phá bỏ cái kén của sự suy ngẫm để tái hòa nhập với thế giới xung quanh.
Có một số cá nhân làm rất tốt ở giai đoạn đầu tiên và thứ hai. Mặc dù vậy, bước đến giai đoạn thứ ba thì họ gặp phải nhiều khó khăn. Bởi họ đã “tự giam mình trong tháp ngà” nên cảm thấy có khoảng cách về nhận thức khi kết nối trở lại với thực tại. Tôi sẽ bàn tới nội dung này ở bài viết khác.
Tại sao tôi lại chia sẻ về sự một mình?
Không phải tôi khuyến khích người ta sống ẩn cư, trốn vào vỏ ốc đơn độc hay tu hành khổ hạnh. Mà tôi nhận ra, có quá nhiều cá nhân bị mất kết nối với bản thân trong khi mải miết tìm cách kết nối với những điều không thuộc về mình và những người không phù hợp với mình.
Cuộc sống sôi động ở bề nổi tạo nên những đứt gãy ở bề chìm. Bởi, khi người ta tôn sùng các kích thích từ ngoại cảnh thì người ta dễ dàng trở thành nô lệ cho ngoại cảnh ấy.
Đó là câu chuyện về không ít người có thể yêu thương thần tượng hơn chính bản thân, nghiện mạng xã hội (chính xác hơn là nghiện sự chú ý trên mạng xã hội), sùng bái quan niệm tiệc tùng chè chén để mở rộng các mối quan hệ, chấp nhận chi trả nhiều hơn mức thu nhập của bản thân để có một nước sơn bóng bẩy, không ngừng cạnh tranh để khẳng định vị thế v.v…
Quá trình kết nối vội vàng, gấp gáp ấy cũng giống với việc họ đang mở một loạt thẻ tín dụng để chi tiêu thoải mái mà không hề bận tâm về lãi suất cắt cổ vậy.
Sau sự hưng phấn, là một nỗi buồn thăm thẳm đòi hỏi con người ta phải tìm kiếm thêm nhiều kích thích để hưng phấn hơn. Rồi họ sẽ cảm thấy sợ phải ở một mình.
Kỉ nguyên kết nối vạn vật cũng có những vấn đề của riêng nó. Bạn có thể thấy điều này qua bộ phim tài liệu The Social Dilemma mới phát sóng trên Netflix và loạt bài viết về Hội chứng nỗi buồn Millennials
Hãy chấp nhận, đôi khi cuộc sống cần chúng ta bước vào giai đoạn một mình để trưởng thành hơn.
Để kết bài, xin tặng bạn đọc câu danh ngôn:
“Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp” (Wolfgang Goethe).
Hãy kết nối thật ổn định với chính mình, trước khi kết nối với thế giới, bạn nhé.
* Ảnh: Pixabay.