Chia sẻ,  Tâm sự,  Trải nghiệm sống

[Chia sẻ] Chuyện đón sân bay

 

Trước đây, tôi có nhận làm thêm một công việc: Đón khách du lịch và khách đến dự hội thảo tại sân bay. Công việc này do một người bạn làm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho tôi. Cậu ấy nói rằng nếu chăm chỉ thì chỉ cần chuyên đón, tiễn sân bay cũng có thể có mức thu nhập tốt. Khi bạn chưa biết rõ bản thân thích làm gì, thì chỉ cần lý do ấy thôi là quá đủ.

Tôi bắt đầu làm quen với từng bước trong công việc. Nếu bạn nhận một công việc và có người trả thù lao cho bạn, thì tức là bạn nên cố gắng mang lại kết quả họ mong đợi (theo bạn thì câu văn ngắn gọn này có thay thế được loạt bí kíp để thăng tiến trong công việc không?). Tôi không nghĩ đây là một công việc khó, nhưng nó là một công việc đòi hỏi tính trách nhiệm và đúng giờ.

Tôi thường nhận lịch đón khách từ đầu tuần, rồi trước 1 – 2 ngày đón, tôi sẽ có thông tin chi tiết về đoàn khách, mã hiệu chuyến bay, giờ hạ cánh, số điện thoại của trưởng đoàn và lái xe. Nhận đủ thông tin, tôi liên hệ trước với họ để trao đổi lịch trình.

Để ra sân bay Nội Bài, tôi bắt chuyến xe bus số 86 từ Ga Hà Nội. Đoạn đường này mang đến cho tôi ấn tượng khó quên. Tôi có dịp quan sát những hành khách bước lên xe. Tôi khá tò mò về con người, vì thú thực là dù sống cùng họ nhưng tôi chưa hoàn toàn hiểu về họ. Tôi tạm phân chia thành các nhóm như sau, theo các màu tôi thích:

Những người màu xám đi làm tại các nhà máy sản xuất, cảng hàng không, doanh nghiệp: họ thường đúng giờ, ăn mặc gọn gàng, đeo ba lô hoặc mang túi xách, trên cổ đeo thẻ. Những người này ít khi có biểu cảm trên gương mặt. Họ biết họ đang đến nơi họ cần đến để có thể rời khỏi đó vào buổi chiều. Tôi không ngắm họ quá lâu.

Những người màu xanh lục đang chuẩn bị đi chơi hoặc đi đón người thân: Ở họ có sự háo hức, bồn chồn và thường hay ngọ nguậy, rút ra rút vào chiếc điện thoại nhìn rất vui mắt. Ngồi gần họ, tôi thấy mình thật ung dung.

Những người mang màu xanh lam chuẩn bị đi xa vì mục đích công việc: Nếu đi một mình, họ toát lên một nỗi đơn độc khó tả. Suy nghĩ, cảm xúc của họ bị nén chặt lại. Họ có cái nhìn xa xăm, lặng lẽ như muốn nhanh chóng hướng đến nơi họ muốn đến càng sớm càng tốt. Điều bất ngờ là, cảm xúc họ nén cuối cùng vẫn sẽ bung ra bởi một cuộc điện thoại từ người thân. Đó là những lời nhắn hết sức đời thường. Nhưng tôi thấy ngưỡng mộ cách trò chuyện thiêng liêng của họ với những đề tài đời thường ấy. Những người sắp đi xa thường cố gắng lưu lại ấn tượng đẹp trong lòng người ở lại. Vì sao chỉ khi sắp phải xa nhau, người ta mới tốt với nhau nhỉ?

Những người màu đỏ cũng bước lên chuyến xe tới sân bay nhưng hình như họ chẳng đi đâu cả. Đây là nhóm làm tôi tò mò nhất. Họ kéo theo chiếc vali nhưng không kéo theo sự lưu luyến nào cả, cũng không ai đi cùng, trang phục của họ rất cá tính. Dường như với họ đến hay đi không quan trọng, tới nơi nào cũng mang lại cảm giác như nhau. Họ tự do nhất hay lạc lõng nhất trên đời?

Lần nào lên xe tôi cũng vừa ngắm nhìn con người vừa ngắm nhìn khung cảnh đường phố bên ngoài cửa sổ. Rồi sẽ đến ngày những thứ tôi từng trông thấy lại một lần nữa trở nên sống động trong các câu chuyện kể của tôi, khi tôi về già.

 Tôi thích nhất đoạn qua cầu Nhật Tân. Vì ở đó có khoảng trời rất rộng. Thật may mắn là hiện tại chúng ta mới chỉ biết cách lấp đầy mặt đất chứ chưa thể lấp đầy bầu trời với nhà cửa, xe cộ. Tương lai thì cũng có thể lắm. Nếu sống đến tương lai ấy, tôi sẽ kể về cái thời nhà cửa, xe cộ san sát nhau trên mặt đất. Người người đổ ra đường vào giờ cao điểm để chen chúc nhau. Sau nhiều năm chen chúc nhau, người ta sẽ có tiền để mua những thứ to lớn hơn, thuận tiện hơn để tiếp tục chen chúc (Thế hệ sau sẽ đón nhận câu chuyện này ở dạng hài kịch hay bi kịch thì tôi không biết.)

Đến sân bay thì phải quan sát bảng hiệu điện tử hiển thị thời gian, cửa đón khách. Tôi phải cảm ơn mấy cái bảng điện tử thông báo giờ giấc hạ cánh và mã hiệu chuyến bay, vì nhờ chúng, tôi không còn tin tuyệt đối vào cái bảng điện tử nào nữa. Nhưng vẫn cần theo dõi chúng, dù sự chính xác chúng mô tả thỉnh thoảng lại thay đổi. Khi chúng thay đổi, có lẽ người ta vẫn tiếp tục tin rằng chúng đã thay đổi một cách thật chính xác.

Tiếp theo, tôi loanh quanh chỗ ghế ngồi, rút tấm biển có ghi tên đoàn khách và mã hiệu chuyến bay ra ngắm nghía. Tôi viết chữ to để hành khách dễ nhìn thấy. Nhưng giờ chưa đến lúc giơ nó lên. Giờ là lúc rút điện thoại ra để chơi game. Thường chơi game trong lúc làm việc sẽ dễ thua, bởi thiếu tập trung- lại một kinh nghiệm quý giá nữa: dù là game, nhưng mất tập trung thì chắc chắn sẽ thua.

Pin hao gần một nửa là lúc tôi bắt đầu đứng dậy đi lại cho đỡ mỏi và sửa soạn giơ tấm bảng ra. Từng đoàn khách bước đến trong sự chào đón vui mừng từ những người đón họ. Nhưng tôi thấy cơ trưởng, cơ phó và các nữ tiếp viên thường bước ra rất nhanh. Do tác phong nhanh nhẹn hay do họ muốn băng qua những ánh mắt lạnh nhạt, hờ hững thật nhanh nhỉ?

Đoàn khách xuất hiện là lúc tôi bớt suy tư để tập trung vào công việc. Đa phần mọi người đều có vẻ mỏi mệt sau khi đi chơi về (cụm từ “ăn chơi quần quật” hình như cũng đúng?). Tuy nhiên, nhờ họ mệt nên công việc của tôi được tiến hành thuận lợi hơn, vì họ tôn trọng những chỉ dẫn tôi đưa ra và ít đòi hỏi. Đây là tâm sự rất thật của một người làm dịch vụ, bạn ạ. Vì từng trải qua các công việc phục vụ khác nhau, nên tôi nhận thấy thói quen “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng, mất tiền mua thúng thì đụng cho mòn” không chỉ dành riêng cho đồ vật. Đừng vội kết luận điều gì, bởi cũng có những đoàn khách dễ thương, lịch sự.

Tôi rất thích lúc dẫn họ ra chỗ tấm biển Heineken (điểm hẹn quen thuộc, lái xe thường đợi đoàn tại đó). Tôi đi đầu mở lối và dẫn đoàn khách rồng rắn kéo vali theo đằng sau. Tôi biết họ mệt, nên mong muốn tìm ra lộ trình (có cảm giác) ngắn nhất (người hiện đại thì ngại đi bộ), tránh nắng và phải thường xuyên để ý trẻ con (thậm chí cả người lớn) phòng khi các bạn này (vẫn có cả người lớn) đi lạc. Người làm dịch vụ sẽ tử tế với bạn, nếu bạn cũng làm như thế với họ.

Trên đường, tôi tưởng tượng mình là thầy giáo của một lớp mầm non đang dẫn học sinh đi ngắm cảnh dưới con mắt ngưỡng mộ của nhân gian. Vì chỉ huy một binh đoàn có khi dễ hơn chỉ huy một lớp học- vui vẻ một chút cho đỡ mệt, tôi không có ý mỉa mai ai cả.

Sau khi lên xe, tôi soát lại danh sách lần cuối, nhắc hành khách kiểm tra đồ đạc rồi nhờ anh/bác/chú lái xe nổ máy. Trước khi đến điểm trả khách, tôi nhận lời ủy thác của công ty gửi lời cảm ơn, chào đoàn và thay mặt đoàn cảm ơn anh/bác/chú lái xe.

Giờ trên xe chỉ còn anh/bác/chú lái xe với tôi. Mỗi người mỗi cuộc sống. Có người thì chuyên đón tiễn sân bay; có người thì mùa cao điểm từ Cửa Lò ra Nội Bài rồi lại từ Nội Bài lên Sapa; có người thì tâm đắc với trải nghiệm phong phú trên các cung đường; nhưng cũng có người ngậm ngùi vì chỉ toàn về tới nhà khi vợ con đã ngủ say rồi tinh mơ lại rời đi. Họ thường khá tốt bụng với tôi, có lẽ vì làm chung một công việc hoặc qua trò chuyện khiến họ thấy khoái tôi vì tôi cũng khoái nghe chuyện của họ.

Nếu tiện đường, họ sẽ cho tôi về ké đến đoạn gần nhà tôi nhất có thể. Sau đó, tôi sẽ đi bộ về nhà (vì nếu đi xe ôm thì tiền công còn lại chẳng đáng là bao, hồi đó tôi chưa có điện thoại thông minh để săn voucher với đặt grab. Nhưng giờ có rồi tôi cũng ít khi săn voucher hay đặt grab).

Hình ảnh cuối cùng xuất hiện trong tâm trí tôi trước khi kết lại bài viết này là Trạm Kiểm Soát Không Lưu. Bên cạnh các tòa nhà khác, nhìn nó thật nổi bật. Nhưng so với nền trời xanh, nó không đáng là gì. Tôi hiểu tầm quan trọng của tòa tháp ấy, nhưng tôi không hiểu được mong muốn kiểm soát mọi thứ của con người. Liệu có phải đó là nỗi ám ảnh khi không thể kiểm soát số phận của bản thân hay không? 

Tái bút: Ảnh trong bài do tôi chụp, nhưng mang tính chất minh họa vì hồi ấy tôi quên mất không chụp cảnh tôi đón khách, chỉ nhớ chụp mỗi tòa tháp vì thấy nó hay hay. Ảnh chụp tấm bảng điện tử vả ảnh chụp cửa ra bên sảnh T2 là tôi mới chụp tuần trước, khi đón người bạn về chơi. Lâu mới ra sân bay, chợt tôi có ý tưởng viết về công việc cũ để chia sẻ cùng bạn đọc.

 

 

 

 

 

 

Xin chào! Tôi là một người bạn giản dị. Tôi thích đọc sách, viết lách và gắn bó với giáo dục.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *